Theo nhiều tài liệu ghi chép xưa, hạt phỉ có nguồn gốc cách đây hơn 5000 năm và được phát hiện tại Trung Quốc. Tại các nước Châu Âu, thông qua các cuộc khảo cổ học, hạt phỉ cũng được tìm thấy ở thời kỳ đồ đá. Một số cây nghìn năm tuổi thậm chí vẫn cho quả đến tận ngày nay. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã trồng cây phỉ rộng rãi.
Từ xa xưa, con người đã phát hiện ra quả của cây phỉ có thể ăn được và cây có giá trị chữa bệnh nhất định. Tuy nhiên, thành phần giá trị nhất của cây phỉ chính là hạt của nó.
Hạt phỉ còn được gọi là hazelnut, hạt cobnut hoặc filbert nut. Bên ngoài hạt có vỏ cứng và bên trong có nhân màu trắng. Có rất nhiều cách chế biến hạt phỉ khác nhau, bạn có thể dùng phần nhân trắng bên trong hạt phỉ để nướng, làm bánh, làm mứt. Hoặc, bạn cũng có thể rang chín chúng để ăn trực tiếp, hương vị vô cùng thơm ngon.
Thậm chí tại Việt Nam, một số hãng cà phê còn kết hợp hạt phỉ và cà phê, tạo ra thức uống đậm đà, thơm béo đặc biệt. Giá bán của cà phê vị hạt phỉ cũng rất bình dân, chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/hộp.
Còn nếu bạn muốn mua hạt phỉ tươi, mức giá sẽ rơi vào khoảng 350.000đ/kg. Loại đã tách sẵn vỏ sẽ đắt hơn, dao động từ 850.000 - 950.000đ/kg. Tại Trung Quốc, mức giá sẽ rẻ hơn, khoảng 80 NDT (260.000đ)/kg.
Hạt phỉ có công dụng gì?
Không chỉ thơm ngon, hạt phỉ còn là thực phẩm lạnh mạnh, mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Cụ thể, Trong hạt phỉ có chứa khá nhiều axit béo tự nhiên từ thực vật có tác dụng giảm cholesterol trong máu, hạn chế các cholesterol xấu làm hại sức khỏe, gây bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, hạt phỉ còn hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư, tăng miễn dịch, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn…
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu bạn bị ngứa cổ, nổi mẩn, đau rát mặt… khi ăn hạt phỉ thì rất có thể bạn bị dị ứng với loại hạt này, cần dừng ăn ngay khi thấy những triệu chứng trên xuất hiện.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)