Cây Sui còn gọi là cây Thuốc bắn có danh pháp khoa học là Antiaris toxicaria. Đây là loài thực vật thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 20 – 30m. Cây có gốc lớn, thân cây rắn chắc và có vỏ ngoài xù xì.
Lá mọc đối xứng, có màu xanh đậm, gân chạy dọc từ gốc đến ngọn lá, các gân nhỏ tỏa ra từ gân chính. Phiến lá hình trứng dài, rộng 5 – 5.5cm, dài 6cm, cả hai mặt lá đều nhám.
Hoa mọc thành cụm ở kẽ lá, có cùng gốc. Quả thịt, dài 12mm, đường kính 18mm, có màu xanh và bên trong chứa hạt nhỏ có hình trứng.
Cây sui mọc hoang khá nhiều ở miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Ở Việt Nam, có thể tìm thấy cây sui mọc tự nhiên ở các vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và một số tỉnh như Quảng Trị, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Ở đảo Java của Indonesia, cây độc này được gọi là cây Xuy, ở đảo Hải Nam của Trung Quốc Antiaris toxicaria được gọi là "Cây mũi tên độc".
Cây Sui chứa chất độc cardenolides glycoside nổi tiếng được dùng để tẩm cho mũi tên và phi tiêu để săn bắn thú rừng. Ở một số dân tộc ít người của nước ta, bà con còn dùng chăn sui để đắp trong mùa đông giá lạnh.
Ở Trung Quốc, loài cây này được cho là cực kỳ nguy hiểm. Bởi chất độc của cây Sui có khả năng tấn công vào tim người trúng độc, nhanh chóng khiến tim ngừng đập, làm nhão người và tái xanh mặt mày, tắc thở và tử vong.
Các nhà khoa học khuyến cáo không nên tiếp xúc quá gần với cây Sui. Nhựa cây Sui nếu bắn vào mắt sẽ gây mù mắt, tiếp xúc với các vết thương có thể ngấm vào máu gây tử vong khi không được chữa trị kịp thời.
Khi bị nhựa cây sui bắn vào mắt hay bị dính nhựa vào vết thương, cần nhanh chóng rửa sạch mủ và khẩn trương đưa nạn nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Mặc dù có độc tố khủng khiếp nhưng hiện nay cây sui đang được Y học ứng dụng vào bào chế một số loại thuốc trị sốt, trợ tim, huyết áp cao... Hạt của cây sui có vị đắng và có tác dụng hạ sốt rất tốt.
Hải Vân (T/h)