Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng

Thứ 3, 01/04/2025 06:00

Loại cây này mọc đầy ở quê ít người quan tâm nhưng qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những người yêu cây cảnh lại "biến hoá" thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đắt giá.

Cây tre từ lâu đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Trên khắp các vùng quê, không khó để bắt gặp những cây tre mọc thành bụi lớn quanh các làng xóm, ven đồng hay ven biển, thậm chí tre còn được trồng thành rừng lớn ở các tỉnh miền núi.

Thông thường, tre được trồng để lấy măng, cây hoặc lá, tuỳ loại. Măng tre tươi thường có giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/kg. Cây tre cũng có giá chỉ từ 20-80 nghìn đồng/cây.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người yêu cây cảnh đã "biến hoá" những gốc tre thân thuộc thành chậu cây bonsai nghệ thuật, phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa, sân vườn cho người có đam mê.

Nổi bật nhất phải kể đến vườn tre bonsai của anh Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995), trú tại thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) với hàng nghìn chậu tre bonsai độc đáo.

Chia sẻ với báo Bắc Giang, anh Nguyễn Sỹ Luân, Giám đốc Hợp tác xã Vườn Chum, cho biết, anh vốn đam mê cây cảnh từ nhỏ nên sau nhiều năm làm nghề và kinh doanh các sản phẩm gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), anh có điều kiện theo đuổi thú chơi cây cảnh.

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Sỹ Luân. Ảnh: báo Bắc Giang

Trong số các loài cây, anh bị cuốn hút bởi loài tre thân gầy, lá mỏng song lại có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. "Cây tre tượng trưng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Trong truyện Thánh Gióng, ông cha ta từng dùng tre để diệt giặc. Trải qua các cuộc kháng chiến, lũy tre làng vừa là nguyên liệu làm vũ khí vừa che chở quân và dân ta. Cuộc sống bao người dân nông thôn đều gắn với đồng ruộng, lũy tre...", anh Luân tự hào nói về loài cây đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Thời gian đầu anh gom vốn đặt mua hàng loạt phôi tre từ những người đi "săn" cây rừng về giâm, trồng. Nào ngờ vườn tre bị chết gần hết. Không nản lòng, anh vay mượn người thân tiếp tục theo đuổi đam mê. 

Trải qua nhiều thất bại, anh mới vỡ lẽ quá trình vận chuyển phôi từ các nơi về, phần đất bọc theo gốc bị đặc khô; trong khi tre là thân thảo, róc nước nhanh, nếu không biết cách tưới và để hở rễ thì gốc sẽ xốp, thối. Vì vậy, anh mày mò, tìm công thức trồng và chăm sóc tre bonsai. Mỗi lần phôi tre về, anh tỉa bớt rễ già, trộn đất với xơ dừa ủ giữ ẩm gốc rồi mới trồng ra đất vườn cho rễ phát triển.

Để những gốc tre sống lâu bền đã khó, việc sáng tạo trên cây tre còn khó hơn. "Nòi tre đâu chịu mọc cong, chưa lên đã nhọn như chông lạ thường" nên việc uốn thân tre tạo dáng bonsai trồng trong chậu không dễ dàng.

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng- Ảnh 2.

Anh Luân bên một tác phẩm tre bonsai. Ảnh: báo Bắc Giang

Anh Luân thường dựa theo những thế "kỳ hoa, dị thảo" sẵn có trong tự nhiên của cây đó tạo tác theo. Đồng thời mỗi gốc cây trước khi ủ mầm, tạo dáng đã được dự định bày ở vị trí tương ứng như bàn trà, phòng khách hay ngoài sân để chăm sóc, tạo tỉa phù hợp. Điều đặc biệt của tre cảnh là mỗi cây một hình dáng khác nhau không trùng lặp và thường phải chờ mắt mầm chồi lên để tạo tán chứ không thể cấy ghép.

Anh Luân chia sẻ: "Một cây tre bonsai đẹp phải có các tiêu chí "củ bệ, thân kỳ, nguyên hình" - tức là củ to, thân độc, lạ và dáng nguyên thủy. Với tôi, cây còn phải có lá nhỏ, dăm dày và có gai; thân tre có đốt ngắn, đốt dài, "co duỗi" linh hoạt. Muốn tác phẩm có hồn, người chăm dưỡng, tạo tác không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải biết "lắng nghe tiếng nói" của cây. Ngay từ khi gốc tre mới lên chồi, tôi thường liên tưởng cây giống với nhân vật nào trong thơ, truyện cổ để tạo tác theo".

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng- Ảnh 3.

Tác phẩm Thiên Bồng Nguyên Soái của anh Nguyễn Sỹ Luân. Ảnh: VTV

Khi cây đã xanh tươi, vốn biết nghề gốm, anh Luân lại tìm cách đặt tre bonsai vào chum, bình để tạo hình. Có những bình bị vỡ, lỗi, tưởng như vứt đi nhưng khi kết hợp với tre lại trở thành những chậu cây bonsai bắt mắt.

Sau nhiều năm dành nhiều tâm huyết, hiện khu vườn của anh Luân có hàng chục loại cây cảnh như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan, hồng… song điểm nhấn là hơn một nghìn cây tre bon sai với kiểu dáng khác nhau.

Anh Luân đặt tên cho khu vườn lớn này là Vườn Chum, thành lập hợp tác xã có gần 10 thành viên cùng làm nghề gốm và trồng cây cảnh. Trong vườn nổi bật những tác phẩm tre bonsai nghệ thuật; mỗi cây lại gắn với một tích truyện, tác phẩm văn học cổ.

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng- Ảnh 4.

Tác phẩm Ngũ Long Giáng Thế. Ảnh: VTV

Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Vườn Chum được những nghệ nhân danh tiếng trong giới trồng cây cảnh đánh giá cao và mời tham gia các cuộc triển lãm, sự kiện quan trọng. Trong đó, tác phẩm "Ngũ long giáng thế" đã được khen thưởng tại triển lãm Bonsai Tre Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội.

Các sản phẩm của anh Luân được yêu thích vì ngoài kiểu dáng đẹp, độc đáo thì quá trình tạo hình, chăm dưỡng cây đều bảo đảm yếu tố thân thiện với môi trường. Những tác phẩm từ tre mang lại giá trị kinh tế cao. Giá mỗi gốc tre bonsai có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu, thậm chí có cây được trả giá 40-50 triệu đồng.

Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng- Ảnh 5.

Ảnh: Znews.

Cũng nổi tiếng trong giới chơi tre bonsai, chị Trần Ngọc Điệp (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, không phải cây tre nào cũng có thể tạo thành tác phẩm bonsai. Trong hàng trăm, hàng nghìn cây mới có một vài gốc tre có hình thù độc lạ.

Chia sẻ với Znews về tác phẩm có ý tưởng đặt tên "Phật Bà Quan Âm", là sản phẩm được chị sưu tầm từ tỉnh Đắk Lắk, chị Điệp cho biết: "Trong cả nghìn bụi tre, mới có một gốc tre có hình thù hiếm như vậy. Nên trước mắt, tôi ưu tiên để trưng bày. Về sau, nếu có người thật sự yêu thích, tôi sẽ trao tay. Nhưng chắc chắn cây này phải bán với giá ít nhất 100 triệu đồng".

Bên cạnh sản phẩm có giá trị lên đến cả trăm triệu, chị Điệp còn sở hữu nhiều sản phẩm tre có phân khúc 25 - 30 triệu. Theo chị, yếu tố để đánh giá một cây tre có giá trị cao nằm ở mức độ tròn, đều của đốt; cùng đó là độ mịn của thân tre. "Với tre bonsai, người chơi có xu hướng thích cây có dăm gai nhỏ. Vì vậy, cây tre sở hữu đặc điểm này sẽ có thêm điểm cộng", chị thông tin thêm.

Trào lưu chơi tre bonsai dù mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây nhưng ngày càng nở rộ, mạnh mẽ hơn. Những gốc tre được cắt tỉa thành hình con rồng hay chậu bonsai mang vẻ đẹp độc đáo, được nhiều người quan tâm. Không ít người "chịu chơi", bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu một chậu tre bonsai về trưng bày.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.