Khi nhắc đến cây xương rồng hầu hết mọi người đều nghĩ đến hình ảnh loài cây hoang dại sống ở những vùng khí hậu khô hạn và vùng nhiệt đới. Ít ai biết, cây xương rồng có thể ăn được, thậm chí chế biến được thành nhiều món ngon.
Hiện nay có 2 loại xương rồng phổ biến và tốt cho sức khỏe là xương rồng tai thỏ và xương rồng lê gai. Cây xương rồng tai thỏ mỏng dẹt có hình elip, được sử dụng làm thực phẩm chủ yếu ở vùng Mỹ Latinh, các quốc gia châu Âu và hiện đang được trồng nhiều ở Việt Nam.
Đáng chú ý, xương rồng tai thỏ từng được tôn vinh là "siêu thực phẩm ". Để giải thích rõ hơn, chuyên gia dinh dưỡng Amy Shapiro đến từ thành phố New York, Mỹ, cho biết vì chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp chống lại các bệnh tiểu đường, dạ dày... Bà Amy Shapiro nói thêm loại thực vật trên sa mạc này còn hỗ trợ giảm cân và có thể làm giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Ở Mexico, xương rồng tai thỏ thường được bán dưới dạng rau quả tươi sống; dạng đóng hộp hoặc phơi khô. Thống kê cho thấy một người dân Mexico mỗi năm dùng trung bình đến 6,4 ký xương rồng. Rất nhiều món ăn, thức uống của Mexico sử dụng xương rồng tai thỏ làm nguyên liệu.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Huỳnh Long (Khánh Hòa), người trồng xương rồng tai thỏ, cho biết loại xương rồng này được nước ngoài rất ưa chuộng, họ thu mua rất nhiều. “Trước chưa có dịch Covid, tôi thường bán các bẹ, nhánh của xương rồng tai thỏ sang nước ngoài như Úc, Canada... Đợt gần đây, tôi chủ yếu bán trong nước cho các công ty thiết kế cây công trình”.
Với 1ha trồng xương rồng tai thỏ, cứ 3 tháng, anh Long thu được vài tạ bẹ, nhánh của cây để bán cho các đầu mối. Theo đó, mỗi kg nhánh, bẹ xương rồng tai thỏ anh bán với giá 25.000 đồng. Còn cây giống sẽ bán khoảng 80.000 đồng/cây.
Ở Việt Nam, vẫn không có nhiều người biết lợi ích của cây xương rồng cũng như biết sử dụng chúng để chế biến món ăn. Nhiều người không mấy “đếm xỉa” đến loại cây này vì nghĩ chúng có nhiều gai kèm theo nhựa đắng.
Tuy nhiên, ở những vùng đất có khí hậu khô hạn xuất hiện khá nhiều xương rồng, đặc biệt là tại miền Trung Việt Nam, cây xương rồng là món ăn khá phổ biến và có thể coi là đặc sản của vùng.
Theo nhiều người dân nơi đây, xương rồng sau khi chế biến có vị nhẫn nhẫn, ngọt hậu và nhiều nước, ăn có vị giòn ngọt, không dai hay bở. Canh xương rồng ăn vào ngày hè rất mát, giúp điều hòa khí huyết và đào thải độc tố ra bên ngoài.
Cũng giống nha đam, phần thịt nằm sâu bên trong lớp gai chi chít của xương rồng thường được dùng để nấu chè hoặc làm gỏi. Nước ép thịt xương rồng nếu pha với mật ong uống mỗi ngày sẽ giúp tống đờm ra ngoài, điều trị ho khan và đau họng. Xương rồng cũng có tính sát trùng và kháng viêm rất tốt, giúp cổ họng luôn thông thoáng.
Từ là đồ ăn cứu đói cho người dân địa phương mỗi khi mưa lũ, bão lụt, các món ăn từ xương rồng dân dã nay lại trở thành đặc sản ở xứ Quảng, là món ăn buộc phải thử khi đặt chân đến đây.
Từ lâu, người dân Quảng Nam đã biết cách chế biến lá xương rồng thành những món ăn khác nhau như luộc chấm mắm cái, nấu canh chua, kho cá, xào với tỏi, xương rồng nấu tép đồng, xương rồng xào tóp mỡ hay gỏi xương rồng... Đây là những món ăn dân dã và khá phổ biến ở đây.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, để có một món ăn ngon, khâu quan trọng nhất là chọn những lá xương rồng non, sẽ mang lại hương vị ngọt, mềm. Còn ngoài ra, cách chế biến khá đơn giản.
Trước khi chế biến, xương rồng cần phải sơ chế bằng cách gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc sơ cho bớt nhớt, tới khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là được. Những miếng xương rồng này sau đó đem vắt ráo nước là có thể chế biến thành những món ăn ngon tùy thích.
Món canh xương rồng cũng phổ biến trong bữa cơm của người dân Bình Định. Canh xương rồng (lưỡi long) là đặc sản nức tiếng của Bình Định. Món này rất ngon nhưng nhiều người ở nơi khác lại rất ngạc nhiên vì chưa thấy bao giờ.
Minh Hoa (t/h)