Ở một số loài động vật, ngủ gật là một "chiến thuật" hiệu quả, giúp chúng có nghỉ ngơi và phục hồi cần thiết để duy trì thể trạng tốt nhất.
Chim cánh cụt Chinstrap có thể ngủ hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lần mỗi ngày, với mỗi chu kỳ giấc ngủ chỉ kéo dài trung bình 4 giây, thông tin trên Tiền Phong.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học cho rằng những con chim cánh cụt có thể đã phát triển đặc điểm này vì chúng luôn cần phải thường xuyên cảnh giác tới môi trường xung quanh.
Cùng với đó nghiên cứu cũng chỉ ra, cách ngủ khác thường của chim cánh cụt chinstrap vẫn cân bằng được nhu cầu não nghỉ ngơi và nhu cầu hoạt động mùa sinh sản.
Thời điểm này, chim cánh cụt thường phải cảnh giác cao độ để bảo vệ trứng, đặc biệt trước những kẻ cướp chực chờ như chim Stercorarius antarcticus.
Ngoài ra, bầy chim cánh cụt trong mùa sinh sản thường rất ồn ào, có khi hỗn loạn, dễ làm gián đoạn giấc ngủ.
Vậy con người có thể áp dụng chiến lược tương tự như chim cánh cụt để mang đến lợi ích trong sức khỏe hay không?
Câu trả lời là không, vì các tình trạng khiến giấc ngủ bị gián đoạn thường sẽ tác động đến chức năng nhận thức, và thậm chí có thể gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.
Theo TTXVN, chim cánh cụt Chinstrap (quai mũ) - tên khoa học Pygoscelis antarcticus - được đặt tên theo dải lông màu đen mỏng kéo dài từ tai này sang tai khác. Đây là loài chim cánh cụt có số lượng lớn nhất, hiện chúng có gần 8 triệu cặp sinh sản. Loài này chủ yếu sống ở Nam Cực và các đảo Nam Đại Tây Dương.
Khi làm tổ, một trong đôi chim cánh cụt phải trông chừng bảo vệ trứng của chúng khỏi những kẻ săn mồi là loài chim biển skua (còn gọi là chim cướp biển) trong khi bạn tình đi kiếm ăn trong nhiều ngày.
Thông tin trên Tuổi Trẻ, ngoài chim cánh cụt Chinstrap, một số loài động vật khác cũng có cách ngủ đặc biệt. Chẳng hạn, cá heo có thể ngủ bằng nửa bộ não liên tục và duy trì trạng thái cảnh giác trong hơn 2 tuần. Vịt trời cũng biết ngủ nửa bộ não.
Tuy nhiên theo chuyên gia Lee, ngủ nửa bộ não bằng giấc ngủ cực ngắn chỉ vài giây như chim cánh cụt chinstrap thì chưa từng có ở các loài khác.
"Giấc ngủ rất đa dạng và linh hoạt trong thế giới tự nhiên. Bằng cách nghiên cứu cách ngủ, chúng ta có thể hiểu động vật đã tiến hóa như thế nào để bộ não hồi phục tốt nhất", ông Lee nói.
Quốc Tiệp (Tổng Hợp)