Hầu hết các loài vật trong thế giới tự nhiên đều được sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ bởi bố mẹ của chúng nhưng đời sống của loài tu hú lại nằm ngoài quy luật tự nhiên đó.
Thay vì làm tổ, đẻ trứng rồi ấp và chăm con như những loài chim khác, vào mùa sinh sản, chim tu hú cái thường đi tìm tổ chim chích và gửi trứng của mình ở trong đó. Đó gọi là “chiến thuật gửi trứng tu hú”.
Do trứng có hoa văn và cùng kích thước nên chim chích không thể nhận ra và vẫn ấp nở bình thường.
Không những thế, trước khi rời đi, chim tu hú mái còn ăn một quả trứng chim chích non mới được một, hai ngày tuổi.
Con của tu hú sẽ nở trước các con của vợ chồng nhà chích. Đến khi tu hú con mới nở, đỏ hỏn, còn chưa kịp mở mắt, chúng tiếp tục thể hiện bản chất tàn độc của mình.
Chim tu hú non dùng sức mạnh đẩy những quả trứng còn lại (trứng của chim chích) rơi khỏi tổ, với âm mưu độc chiếm nguồn thức ăn ít ỏi mà đôi vợ chồng nhà chim chích nhọc công kiếm về.
Nhận được sự chăm sóc hết lòng của bố mẹ nuôi, tu hú non lớn nhanh như thổi, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thân hình tu hú con thậm chí còn lớn gấp đôi thân hình của bố mẹ nuôi. Khi đã đủ lông, đủ cánh, chúng bỏ đi không một sự đền đáp.
Những con tú hú con này lớn lên, nếu là con mái, lại tiếp tục đi gửi trứng vào các tổ chim chích khác, đúng với bản năng của loài chim có một không hai trong thế giới tự nhiên này.
Theo tìm hiểu, tu hú có nhiều ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Chúng thường sống ở vùng đồng bằng và trung du.
Con đực có màu lông đen thẫm, mắt có màu xanh, hai chân màu chì. Con cái lông có màu đốm sáng và nhỏ hơn con đực.
Theo giới khoa học, thức ăn của tu hú mẹ là các loài sâu có độc tố. Đối với chim tu hú trưởng thành chúng có khả năng miễn nhiễm, tuy vậy ở chim tu hú non còn yếu ớt rất dễ gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng, khi ăn phải loài sâu này.
Vì vậy việc đẻ và nhờ loài khác nuôi hộ con của mình là việc làm cần thiết để tránh nguy hiểm cho con non, tạo môi trường thuận lợi để tu hú duy trì nòi giống của mình.
Mặc dù tu hú là loài chim nham hiểm, độc ác nhưng đây cũng chính là mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh sinh động về cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên.
Minh Hoa (t/h)