Việt Nam là nơi cư ngụ của nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Nước ta từng phát hiện ra một loài chim vô cùng quý hiếm: Chim Mi Langbiang (tên khoa học là Crocias Langbianis), còn được gọi là chim Mi núi Bà. Loài này là chim đặc hữu của Việt Nam, thuộc dạng quý hiếm của thế giới, đang bị đe dọa toàn cầu.
Mi Langbiang được mô tả lần đầu bởi nhà quý tộc Thụy Điển Count Gyldenstople vào năm 1939. Vì loài đặc hữu này được phát hiện lần đầu trên đỉnh núi Lang Biang nên ông đã lấy tên núi để đặt cho chim.
Chim Mi Langbiang có kích thước trung bình, phần dưới cơ thể lông màu phớt trắng, hai bên ngực và mỏ có các vạch đen kéo dài, đỉnh đầu và gáy màu xám
Trong khi đó, đuôi chim Mi Langbiang có màu xám với mút đuôi trắng, lưng trên và dưới đuôi lông có màu hung đỏ xen các vạch màu đen.
Chim Mi Langbiang sinh sống ở khu vực núi đá vôi ẩm nhiệt đới và cận nhiệt.
Sau hơn nửa thế kỷ không có thêm phát hiện nào về loài này, cứ ngỡ chúng đã tuyệt chủng, mãi đến năm 1994, sau nhiều lần khảo sát, nhóm nghiên cứu đã lần theo nơi phát ra tiếng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm rất cuốn hút và sững sờ khi nhìn thấy Mi Langbiang.
Năm 2012, trưởng đoàn du lịch của Hãng Du lịch sinh thái Victor Emanuel Nature Tour (VENT) David Bishop cũng đã phát hiện một cặp chim Mi Langbiang khi dẫn đoàn đến Măng Đen (Kon Tum).
Phát hiện trên đã hé lộ nơi cư trú mới của một trong những loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, mở rộng vùng phân bố thêm khoảng 250 km về phía Bắc Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Mi Langbiang được ghi nhận xuất hiện tại Kon Tum. Do nguồn dữ liệu về loài chim này quá ít ỏi (chỉ mới được mô tả hai lần vào năm 1939 và 1994), vùng phân bố lại hạn hẹp nên Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp nó vào danh sách loài nguy cấp (E), có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên.
Minh Hoa (t/h)