Ở miền Tây, mùa nước lên hay khi lũ tràn đồng, có những loại rau dân dã mọc đầy ở đồng ruộng, một trong số đó chính là cây kèo nèo. Mặc cho những loài cây thân thảo bị tróc rễ trôi dạt, rau kèo nèo vẫn bám trụ lại, từ dưới bùn vươn cao mơn mởn.
Trước đây, người dân miền Tây thường hái kèo nèo về ăn để chống đói, ăn không hết thì cho gà, lợn ăn.
Giờ đây, loại rau dại này đã trở thành một món đặc sản miền Tây có hương vị lạ, xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn với nhiều món ngon như bóp gỏi, xào tỏi, nấu canh chua, nhúng lẩu, hay làm dưa chua kèo nèo.
Ai từng thưởng thức lẩu mắm miền Tây chắc chắn không thể quên được vị giòn ngọt đặc trưng của kèo nèo.
Chế biến kèo nèo theo kiểu người miền Tây rất đơn giản mà ngon. Rau kèo nèo ăn sống được xem là ngon nhất, giữ nguyên vẹn chất dinh dưỡng khi chấm với kho quẹt, nước cá kho lạt. Những cọng kèo nèo giòn giòn, dẻo dẻo kết hợp với vị đậm đà của nước chấm tạo nên món ăn đơn giản nhưng ngon miệng.
Kèo nèo còn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam Bộ. Đặc biệt là lẩu mắm, nếu thiếu kèo nèo thì dù có bao nhiêu loại rau khác cũng cảm thấy thiếu thiếu. Không chỉ có lẩu mắm, kèo nèo trong nồi canh chua miền Tây cũng giúp tăng vị ngon, lạ miệng. Bởi trong thớ rau kèo nèo mỏng manh ấy, có vị chát nhẹ, ngọt nhẹ và kể cả vị mặn của hương phù sa.
Rau kèo nèo, từ một loại rau dại dân dã bị bỏ qua, giờ đây đã trở thành món đặc sản được yêu thích trong các nhà hàng, quán ăn. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền Tây, kèo nèo còn đóng góp vào sự phong phú của ẩm thực Việt Nam.
Với vị giòn ngọt đặc trưng và những lợi ích sức khỏe, rau kèo nèo xứng đáng được nhiều người biết đến và thưởng thức.
Loại rau dân dã kèo nèo giòn ngọt, lúc đầu ăn nhiều người có thể cảm nhận vị hơi nhẩn đắng nhưng khi ăn quen sẽ thấy thích hương vị của loại rau này. Không chỉ được bán ở miền Tây, một số cửa hàng rau đặc sản vùng miền ở thành phố cũng rao bán kèo nèo với giá lên tới 100.000 đồng/kg. Vì lạ và ngon, loại rau này luôn trong tình trạng hết hàng.
Nhờ giá trị kinh tế cao, gần đây, nhiều hộ dân ở miền Tây đã mở rộng mô hình trồng kèo nèo, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Được biết, kèo nèo mùa nước nổi sẽ cho sản lượng nhiều hơn so với mùa cạn, vì cây vượt theo nước, cọng dài hơn và to hơn. Đặc biệt, kèo nèo có thể thu hoạch mỗi ngày mà không cần cách khoảng như các loại rau màu khác.
Công dụng của rau kèo nèo trong y học
Ngoài giá trị ẩm thực, theo y học cổ truyền, kèo nèo còn là vị thuốc có vị ngọt tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm. Kinh nghiệm dân gian thường dùng kèo nèo để chữa viêm tiết niệu, di tinh, mộng tinh ở nam giới và khí hư bạch đới ở nữ giới.
Cần phân biệt kèo nèo với rau tai tượng, bởi một số sách báo hay nhầm lẫn hai loại rau này. Kèo nèo có lá hình tim nhọn, thân mềm xanh tím, khi còn non lá có móc ở đầu. Trong khi đó, tai tượng có lá giống tai voi, thân ba khía, màu xanh sáng, cứng cáp hơn.
KHÁNH LINH (t/h)