Loài “cỏ lạ” được nhà thầu Trung Quốc “tuồn” vào Việt Nam

Loài “cỏ lạ” được nhà thầu Trung Quốc “tuồn” vào Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Các chuyên gia lo ngại, các loại cỏ có hạt sẽ khuyếch tán nhanh trong không khí, gây hậu quả khó lường.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin nhà thầu Trung Quốc đưa một loại “cỏ lạ” vào trồng tại mái ta-luy gói thầu số 7, dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai, phớt lờ yêu cầu phải lập tức “stop” của đơn vị tư vấn giám sát. Dù chưa biết thực hư cũng như chân tướng của loại “cỏ lạ” ra nói trên nhưng rất nhiều người tỏ ra lo lắng trước những nguy hiểm tiềm ẩn từ loại thực vật ngoại lai này. Giới chuyên gia cho rằng, nếu không tỉnh táo ngăn chặn mầm bệnh từ trong trứng, chúng ta rất dễ rơi vào vết xe đổ như thảm họa “ốc bươu vàng” xảy ra trước đây.

Bất động sản - Loài “cỏ lạ” được nhà thầu Trung Quốc “tuồn” vào Việt Nam

"Cỏ lạ" vào trồng tại mái ta - luy gói thầu số 7, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trồng “cỏ lạ” bất chấp quy định

Theo thông tin phản ánh, loại “cỏ lạ” nói trên do Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường Quảng Tây, nhà thầu thực hiện gói thầu A7, đưa từ Trung Quốc sang để trồng ở mái ta- luy dự án. Loại cỏ này được trồng từ đầu năm 2012 khi chưa có đầy đủ các giấy tờ của cơ quan chức năng Việt Nam. Theo hồ sơ giới thiệu năng lực của đơn vị này, có 3 loại cỏ được trồng ở mái ta- luy bao gồm Gou Ya Gen (tên tiếng Anh là Bermuda Grass), Mu Dou (Pigeon pea) và Yin He Huan.

Nhà thầu trên đã gửi hồ sơ nguồn gốc giống cỏ đến đơn vị tư vấn giám sát dự án nhưng không được chấp nhận. Bởi, hồ sơ gồm toàn giấy xác nhận của Viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc. Đơn vị tư vấn giám sát (TVGS) cũng khẳng định không nhận được bất kỳ tài liệu nào về nguồn gốc giống cỏ trồng ở gói thầu A7 theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Được biết, ngày 7/6/2012, Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (EPMU – NBLC) đã có văn bản yêu cầu TVGS rà soát, kiểm tra và cung cấp tài liệu cho tất cả các giống cây trồng để bảo vệ mái ta- luy. Những loại cỏ mới đang được trồng, chưa được cấp phép, EPMU – NBLC yêu cầu TVGS hướng dẫn nhà thầu làm hồ sơ xin phép theo đúng quy định hoặc đổi sang giống cây đã được phép sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến ngày 19/6/2012, ông Fracisco Javier de Bonijaz, trưởng TVGS dự án đã lần thứ hai yêu cầu đơn vị thi công gói thầu A7 ngay lập tức tạm dừng trồng cỏ tại hiện trường. Việc trồng cỏ chỉ được tiếp tục thực hiện khi nào nhà thầu sử dụng các vật liệu có xuất xứ từ Việt Nam và giải quyết yêu cầu kể trên. “Đến nay chưa thể biết được mức ảnh hưởng của giống cỏ nêu trên. Nếu có khuếch tán, sẽ không thể lường được hậu quả xấu ảnh hưởng đến môi trường. Liệu giống cỏ này có gặm nhấm hết đất đai trong vùng khi mức phát triển là cực mạnh? Đây cũng là lý do chúng tôi yêu cầu nhà thầu tạm dừng nhập khẩu và trồng giống cây trên trước khi đưa ra đầy đủ giấy tờ hợp lệ và thông số về giống cỏ trên”, đại diện đơn vị TVGS cho biết.

Tuy nhiên, nhà thầu Trung Quốc đã “phớt lờ” yêu cầu trên khi tiếp tục trồng loại cỏ lạ trong địa bàn gói thầu A7.

Đem thông tin về loại “cỏ lạ” trên liên lạc với ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) vị này tỏ ra khá lo lắng. Trao đổi với Người đưa tin, ông Hồng cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghe phản ánh về loại “cỏ lạ” trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu chính xác. Chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, kiểm tra xem nguồn gốc loại cỏ trên. Theo quy định, cây trồng nhập vào Việt Nam phải qua Cục Trồng trọt cấp giấy phép nhập khẩu, đồng thời Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy phép kiểm định. Phía nhà thầu Trung Quốc nói rằng, loại cỏ trên trồng để bảo vệ mái ta- luy dự án. Việc này cũng cần phải kiểm chứng…”.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định, sau khi báo chí phản ánh, trước mắt Cục sẽ cử chuyên gia đến hiện trường để nghiên cứu, xem xét và thông tin lại cho báo Người đưa tin.

Tiềm ẩn hiểm nguy khó lường

GS Nguyễn Lân Hùng, tổng thư ký các hội sinh học Việt Nam nói: “Tôi cũng mới nghe thông tin về loại cỏ được nhà thầu Trung Quốc trồng ở mái ta luy dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua báo chí. Điều tôi bất ngờ là nếu báo chí không “phanh phui” chắc các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không biết thông tin. Về nguyên tắc, tất cả những loại thực vật lạ nhập vào Việt Nam đều phải qua kiểm định ở rất nhiều khâu, từ hải quan cho đến cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Trong trường hợp này, phía nhà thầu Trung Quốc chưa đưa ra được giấy phép nhập khẩu giống cây, cỏ cũng như kiểm định là vi phạm pháp luật”.

Nói về loại “cỏ lạ” bí mật theo các nhà thầu Trung Quốc “tuồn” vào nước ta, GS Nguyễn Lân Hùng bày tỏ: “Tôi chưa tận mắt chứng kiến loại cỏ trên, cũng chưa được nghiên cứu cụ thể về nó nên đưa ra kết luận có nguy hại hay không là rất khó. Nếu là cỏ chống xói mòn, bảo vệ ta- luy thì cả khu vực đều trồng và không gây nguy hại. Tuy nhiên, tôi lo ngại đây là loại thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Loại cỏ ngoại lai này rất có thể tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường giống như một số loại cây từng du nhập vào nước ta trước đây”.

Cũng trao đổi với PV Người đưa tin, PGS. TS Nguyễn Văn Bộ, giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích: “Tất cả những cây trồng, vật nuôi đưa vào nước ta đều phải trải qua quá trình khảo nghiệm theo quy định về an toàn sinh học, nông học… Theo đúng quy trình, sau khi đưa hồ sơ trình bày về lý lịch, nguồn gốc, mục đích nhập vào nước ta… Cục Trồng trọt sẽ thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập hay không. Những yếu tố lợi, hại, tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên… đều phải được nghiên cứu và dự báo. Ngay bản thân những giống thực vật trong nước cũng phải được kiểm định xem có tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh hay không huống hồ loại có nguồn gốc nước ngoài”.

Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng lo ngại, các loại cỏ có hạt (khác với cỏ rễ mọc lan) sẽ có sự khuyếch tán trong không khí và ảnh hưởng tới các vùng khác ngoài dự án. Mức độ ảnh hưởng này tới đâu vẫn chưa có báo cáo cụ thể nhưng cũng cần phải được tính đến.

Đồng quan điểm, TS Ngô Vĩnh Viễn, viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, thực tế Viện cũng chưa được nghiên cứu về loại cỏ ngoại lai này. Tuy nhiên, chiếu theo đúng nguyên tắc, loại cỏ này đã vi phạm quy trình nhập, kiểm định của Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc đã vi phạm pháp luật. “Tôi được biết, dù đơn vị TVGS giám sát đã yêu cầu phía nhà thầu ngay lập tức phải tạm dừng trồng cỏ tại hiện trường nhưng loại cỏ trên vẫn tiếp tục được trồng. Hiện đã có những diện tích cỏ phát triển rất nhanh và có loại cỏ sinh sản bằng hạt. Đây là điều đáng lo ngại bởi mức độ phát tán ra môi trường của loại “cỏ lạ” sẽ rất cao. Trong khi, cơ quan chức năng chưa nắm rõ được chân tướng của loại cỏ này là lợi hay hại”.

Nhiều loài gây hại đang hiện diện ở Việt Nam

TS Nguyễn Văn Bộ cho hay: Trong danh sách 100 sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới, nhiều loài đang hiện diện tại Việt Nam gây mối nguy lớn cho môi trường sinh thái. Trong số này, nhiều sinh vật đến nay vẫn phát triển dai dẳng mà chưa có cách nào diệt trừ được. Điển hình nhất là cây mai dương, bèo Nhật Bản, ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại dừa, bọ phấn thuốc lá...

“Nếu được mời nghiên cứu, kiểm định, Viện chúng tôi sẵn sàng tham gia hợp tác với các cơ quan chuyên môn. Các ngành chức năng cũng cần sớm vào cuộc để có “lời giải” thỏa đáng với băn khoăn của người dân” (viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật Ngô Vĩnh Viễn)

Anh Đức


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.