Lợi ích hạt hạnh nhân đối với sức khỏe con người
Các loại hạt ngũ cốc đều là nguồn giá trị dinh dưỡng quý báu vì các thành phần chất béo, chất đạm từ thực vật dồi dào. Đáng chú ý hạt hạnh nhân được xem là "nữ hoàng của các loại hạt". So với hạt điều, hạt bí, hạt hạnh nhân chứa nguồn dinh dưỡng vô cùng quý, tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt trong các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy trong hạt hạnh nhân chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo, vitamin E, B2, mangan, magie, đồng, phốt pho, flavonoids... Những thành phần này có tác dụng trong phòng các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa, tốt cho cả da và tóc.
Giàu chất dinh dưỡng
Phân tích thành phần dinh dưỡng trong một khẩu phần hạnh nhân (khoảng 23 hạt thô) có chứa lượng các chất dinh dưỡng như sau:
Calo: 164
Đạm: 6g
Tổng lượng chất béo: 14g
Tổng lượng carbohydrate: 6g
Chất xơ: 3,5g
Đường: 1g
Magiê: 18% giá trị hằng ngày - DV
Mangan: 27% DV
Vitamin E: 48% DV
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Loại hạt này có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, axit béo không bão hòa đơn, cũng như magiê và đồng đã nói ở trên. Vì lý do này, chúng là thực phẩm được khuyên dùng để bổ sung cho chế độ ăn kiêng và chăm sóc sức khỏe tim mạch. Theo đó để ngăn ngừa bệnh tim hoặc bệnh tim mạch vành cũng như các rối loạn tim khác, tốt nhất bạn nên ăn hạnh nhân ở dạng tự nhiên. Không ướp muối, chiên hoặc nướng.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Do hàm lượng chất xơ, việc tiêu thụ 4 hạt hạnh nhân có lợi cho sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột, sinh sản của vi khuẩn tốt trong ruột.
Giảm cân hiệu quả
Theo một nghiên cứu khoa học được thực hiện vào năm 2003, được công bố trên tạp chí Nature, những người ăn hạnh nhân sẽ tiêu thụ ít carbohydrate hơn trong suốt cả ngày.
Ăn hạnh nhân cũng sẽ giúp bạn giảm cân và ổn định quá trình trao đổi chất nhờ các vitamin và chất xơ có trong hạt.
Tốt cho răng và xương
Hạnh nhân là một nguồn tốt của các khoáng chất vi lượng, bao gồm magiê và phốt pho, là một chất dinh dưỡng quan trọng cho việc xây dựng và duy trì răng và xương. Lợi ích dinh dưỡng hạnh nhân bao gồm khả năng giúp ngăn ngừa sâu răng, chống sâu răng, giảm nguy cơ gãy xương và chống loãng xương.
Làm đẹp da
Hạnh nhân cũng rất tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe làn da của chúng ta. Nhờ hàm lượng mangan cao, chúng có thể đóng vai trò sản xuất collagen.
Tốt cho não bộ
Ăn 4 hạt hạnh nhân mỗi ngày giúp bạn cải thiện chức năng não bộ. Có thể là do tocopherol và axit béo mà các loại hạt này cung cấp giúp cải thiện trí nhớ.
Có thể giúp chống lại ung thư
Trong hạt hạnh nhân chứa gamma-tocopherol, một dạng của vitamin E có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, chống các gốc tự do và oxy hóa liên quan đến ung thư. Nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa tiêu thụ hạt hạnh nhân và phòng chống ung thư, bao gồm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Thông tin trên báo Lao Động, theo các nhà khoa học, ăn 4 hạt hạnh nhân mỗi ngày, tức 25 gram sẽ là lượng vừa đủ để cơ thể hấp thu dinh dưỡng và phát triển. Đây là khẩu phần hạnh nhân mà các nhà nghiên cứu khuyến nghị chúng ta dùng.
Cụ thể, một khẩu phần 25 g hạnh nhân đã bóc vỏ cung cấp 42% lượng vitamin E khuyến nghị, 18% lượng phốt pho được khuyến nghị hằng ngày cho cơ thể người.
Mẹo hay sử dụng hạt hạnh nhân qua đêm
Đổ hạnh nhân vào bát.
Thêm đủ nước để bao phủ hoàn toàn.
Để bát trên bàn qua đêm hoặc trong 8-12 giờ.
Để ráo nước và rửa sạch hạnh nhân.
Nếu muốn, bạn có thể loại bỏ vỏ của hạnh nhân để có kết cấu mịn hơn.
Dùng khăn giấy sạch thấm khô hạnh nhân trước khi ăn.
Có thể giữ hạnh nhân ngâm đến 5 ngày trong hộp kín trong tủ lạnh. Sau đó, bạn sẽ quan sát thấy sự thay đổi màu sắc của các loại hạt này. Bạn có thể làm khô hạnh nhân đã ngâm bằng cách rang hoặc khử nước trước khi cất giữ.
Để rang hạnh nhân đã ngâm, hãy làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 79 độ C và rang cho đến khi chúng khô lại. Hạnh nhân ngâm khử nước ở nhiệt độ 68 độ C duy trì trong 12 giờ.
Hạt hạnh nhân tốt nhưng ai không nên ăn hạnh nhân?
Trao đổi với báo báo Sức khỏe & Đời sống BS. Trần Thị Bích Nga cho biết, mặc dù ăn hạnh nhân tốt với hầu hết mọi người nhưng đối với một số trường hợp không nên ăn hạnh nhân, bao gồm:
- Những người có nguy cơ bị nghẹn: Hạnh nhân nguyên hạt có nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ nhỏ và bất kỳ ai gặp khó khăn khi nuốt như người bệnh, người cao tuổi...
- Những người bị dị ứng các loại hạt: Những người bị dị ứng với các loại hạt nên tránh ăn hạnh nhân vì hạnh nhân nằm trong danh sách các thực phẩm dễ gây dị ứng nhất và có thể gây dị ứng nghiêm trọng. Do đó, nếu đã xác định mình bị dị ứng với các loại hạt, tốt nhất là bạn nên tránh ăn hạnh nhân và tất cả các loại hạt.
Trúc Chi (t/h)