Hoa Rafflesia được mệnh danh là loài hoa lớn nhất thế giới với đường kính từ 0,8 đến 1,1m, có thể nặng tới 10kg. Trên thế giới có khoảng 30 loài hoa thuộc giống Rafflesia, riêng tại bang Sabah, Malaysia hiện có 9 loài.
Theo các chuyên gia, loài hoa này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng, do đó, nhiều du khách khi tới Malaysia đều mong muốn có cơ hội chiêm ngưỡng Rafflesia một lần.
Vào những ngày cuối tháng 3/2024, Vườn bảo tồn tư nhân Kokob Rafflesia ở Ranau, bang Sabah chào đón một bông hoa Rafflesia nở rực rỡ.
Bông hoa khổng lồ có đốm màu đỏ mọc lên một cách khó đoán, là sản phẩm du lịch khó bỏ qua của nhiều du khách quốc tế khi đến Malaysia.
Là loài hoa ký sinh nên Rafflesia mọc lên trực tiếp từ cây chủ mà nó sinh sống, không có thân cũng như lá cây. Điều kiện sống của hoa khá đặc thù là chỉ mọc ở nơi ẩm ướt, có các bụi trúc và cây dây leo.
Trong thời gian nở, chúng tạo ra một mùi thối như xác chết nên còn được gọi là hoa xác chết. Nhưng mùi hôi thối này và màu sắc của nó lại là những tác nhân hấp dẫn côn trùng đến giúp đỡ cho quá trình thụ phấn của hoa.
Bông hoa sau đó sẽ héo tàn và trở thành một đốm đen xấu xí.
"Chúng tôi rất tò mò ngắm bông hoa khổng lồ nhưng đứng từ xa đã thấy mùi hôi thối bốc ra. Mùi hương này không dễ chịu chút nào", một du khách cho biết.
Mùi hương của hoa được đánh giá là một trong những mùi hương kinh khủng nhất thế giới.
Ông Walter Deypalan, hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Kota Kinabalu, bang Sabah cho biết, không phải thời điểm nào trong năm du khách cũng có thể ngắm hoa. Loài hoa này rất khó sinh trưởng hàng loạt và mất tới 5 năm mới có thể ra bông khổng lồ.
Dẫu vậy, khi nở rộ, bông hoa chỉ rực rỡ trong thời gian từ 7-10 ngày. Bên cạnh đó, dù được các nhà thực vật học nhân giống nhưng không phải nơi nào cũng có thể cho ra hoa thành công ở môi trường tự nhiên.
Vì thế, khi vườn thông báo có hoa nở, các công ty du lịch tại Malaysia sẽ nhanh chóng giới thiệu, bán vé cho du khách khắp nơi trên thế giới.
Để ngắm bông hoa, du khách đi qua lối vào làm bằng tre nhỏ hẹp với nhiều bụi cây rậm rạp, um tùm bao quanh. Khách ngắm hoa từ khoảng cách 1,5m-2m.
Trước đây loài hoa này thường được người dân hái về làm thuốc tuy nhiên trước nguy cơ tuyệt chủng cao, bang Sabah đang cố gắng bảo tồn và nhân giống.
Bông hoa này cũng xuất hiện trên tờ tiền 10 ringgit của Malaysia.
Vườn bảo tồn Kokob Rafflesia cách trung tâm thành phố Kota Kinabalu khoảng 120km.
Giá vé vào cổng từ 10 đến 30 ringgit một khách (khoảng 50.000 -150.000 đồng)
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Tuổi Trẻ))