Theo New Scientist, một nhóm nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh sản sinh học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã cho ra đời 2 con lợn được cấy ghép tế bào khỉ.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển hơn 4.000 phôi thai, tuy nhiên, chỉ có 10 phôi sống được đến tháng cuối thai kỳ.
Ngoại hình của chúng hầu như không thay đổi so với những con lợn khác nhưng các nhà khoa học có thể quan sát được sự phát triển của các tế bào khỉ bên trong.
Những tế bào này được biến đổi ADN để tạo ra protein huỳnh quang gọi là GFP để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sau khi cấy vào phôi thai lợn.
Trong số 10 con lợn được sinh ra, chỉ có 2 thực sự là chimera - thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật được tạo thành qua sự hợp nhất của nhiều bộ ADN khác nhau.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cái chết của chúng có thể do vấn đề ở bước thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bởi cả cá thể lai và không lai đều không thể sống sót.
Họ đang hướng đến tạo ra những con lợn khỏe mạnh với tỷ lệ tế bào khỉ cao hơn. Nếu thành công, các nhà nghiên cứu dự kiến tạo ra lợn với cơ quan nội tạng chỉ gồm tế bào linh trưởng.
Nhóm nghiên cứu đang cố gắng tìm một phương pháp thay thế để tạo ra những động vật khỏe mạnh với tỉ lệ tế bào khỉ cao hơn.
Nhiều người lên tiếng lo ngại về vấn đề đạo đức như nhà thần kinh học Douglas Munoz tại trường Đại học Queen’s Kingston – Canada: "Các dự án nghiên cứu như thế này thực sự làm tôi lo sợ về mặt đạo đức. Tạo ra một sinh mạng nhưng không biết cách chấm dứt, hoặc dừng hễ có gì không ổn thì thật đáng lo ngại".
Cách nay 2 năm, nhà khoa học Tây Ban Nha Juan Carlos Izpisua Belmonte từ Viện Nghiên cứu Sinh học ở Salk - Mỹ gây tranh cãi khi tạo ra giống heo lai người.
Ông Belmonte tuyên bố ông và nhóm nghiên cứu của mình đã tạo ra các phôi người – khỉ, trong đó các tế bào người được tiêm thêm các phôi khỉ.
Minh Anh (Nguồn Newscientist)