Dừa sáp hay còn gọi dừa kem, là một loại dừa đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh. Tuy về hình thức không có gì khác biệt so với những trái dừa khác nhưng bên trong cùi rất dày, mềm dẻo như bột quánh lại, đặc sệt gần hết phần không gian bên trong gáo dừa.
Nước dừa sáp cũng rất ít, sền sệt và trong như sương sa. Cái tên "dừa sáp" quả thực đã diễn tả khá sinh động phần bên trong quả dừa.
Với dừa sáp, khi trái còn non thì cơm mềm dẻo và nước ngọt, đến khi trái già thì cơm dày cứng, nước lạt và có ga. Ở cây dừa sáp, nếu chỉ thu hoạch để uống nước thì phần cơm, nước bình thường như bao trái dừa khác, nhưng để qua giai đoạn lấy nước thì cơm dừa sáp tiếp tục phát triển dày lên gần đầy khoang trống. Dừa sáp có độ tinh dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dừa thường với hương vị đặc trưng.
Theo Dân trí, ở cây dừa sáp, chỉ có những trái dừa không sáp thì mới có khả năng tạo phôi, mầm, mộng và được chọn làm dừa sáp giống, còn những trái có sáp thì không thể làm giống. Tính đặc trưng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến dừa sáp có giá thành đắt đỏ.
Ngoài ra, hương vị thơm ngọt, béo ngậy với phần nước dừa sệt, ngọt và giá trị dinh dưỡng cao khiến ai thử qua cũng vô cùng yêu thích. Điểm đặc biệt của loại dừa này chính là sự hiếm hoi "không phải cứ có tiền là mua được".
Mỗi cây dừa sáp mỗi năm chỉ cho vài chục quả, nhưng trong số này chỉ có khoảng 1/3 có sáp, những trái còn lại là dừa thường. Chính vì mỗi buồng dừa chỉ có khoảng 2 - 3 trái dừa sáp, số lượng không đủ để cung ứng ra thị trường nên giá dừa sáp khá cao.
Dừa sáp hiện là loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam, giá hiện tại lên đến 180.000 đồng/quả. Trà Vinh là tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp khoảng 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của khách mua dùng thử.
Về cách chế biến, thông thường, mọi người sử dụng cơm dừa cho vào máy xay sinh tố sau đó thêm vào đường, sữa hoặc các gia vị khác để tạo ra sinh tố hoặc các món ăn vặt độc đáo. Tinh dầu dừa sáp còn được ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo, làm cơm dừa, thạch dừa, mứt dừa…
Hơn 1 năm trở lại đây, chị Liễu Nguyễn – đầu mối bán đặc sản Trà Vinh, cho biết chị đã làm món mứt dừa sáp và được rất nhiều người tin mua.
“Tôi đã thất bại không biết bao nhiêu lần mới cho ra được mứt dừa sáp hoàn chỉnh để bán ra thị trường. Khách ban đầu tò mò đặt mua thử về ăn nhưng sau đó họ đặt mua về ăn rất nhiều”, chị Liễu chia sẻ với Nông Thôn Việt.
Sở dĩ chị làm món mứt dừa sáp là với mong muốn nâng cao giá trị loại quả đặc sản của quê hương mình. Vì vậy, chị đã áp dụng công thức làm mứt dừa thường để làm mứt dừa sáp. Tuy nhiên, chị gặp rất nhiều khó khăn vì dừa sáp nhiều dầu hơn, khó sên hơn rất nhiều.
“Dừa thường thì ít dầu, việc sên đơn giản hơn rất nhiều lần. Loại dừa sáp dầu rất nhiều, sên rất khó. Tôi cùng với 4-5 người khác cùng nhau làm. Việc đầu tiên, tôi đi thu mua dừa sáp tại các nhà dân, đem về nhà lấy cơm xong phải ướp đường để mấy tiếng rồi mới sên. Sên cũng phải thật nhỏ lửa để không khét và phải thật khô để mứt không bị tươm nước.
Công đoạn sên khó lắm, miếng mứt dừa tôi còn phải cắt thành miếng to để khi sên mứt sẽ teo lại nữa. Miếng to sẽ dẻo hơn miếng nhỏ quá sên khô sẽ bị cứng”, chị nói.
Nhờ vậy, khi bán ra thị trường, khách hàng rất tin dùng và mua lại nhiều lần. Hiện tại, chị bán trung bình mỗi ngày từ 5-10kg mứt, số lượng này đều là do khách hàng đặt trước chị mới làm. “Vì làm mứt ăn ngay sẽ ngon hơn là để lâu và mứt tự làm nên không có chất bảo quản, để được thời gian ngắn”, chị nói.
Còn như mùa Tết năm ngoái, trong vài tháng Tết, chị bán được khoảng 300 – 400 kg mứt dừa sáp. Giá mứt hiện tại chị đang bán là 380.000 đồng/kg bán lẻ, còn bán sỉ giá thấp hơn một chút.
Để có được một cân mứt, chị cho biết cần sử dụng từ 4-5 quả dừa sáp. Dừa sáp vốn đã có giá đắt đỏ, vì vậy, mứt làm ra cũng có giá khá cao. Hiện tại, chị Liễu đang gom dừa sáp để chuẩn bị làm mứt cho mùa Tết năm nay.
Minh Hoa (t/h)