Ở nhiều thành phố, ô nhiễm không khí đang đạt tới mức đe dọa sức khỏe con người, theo nhận định của WHO sau khi kết hợp dữ liệu về chất lượng không khí trong thời gian từ 2003-2010 tại 1.100 thành phố ở 91 quốc gia. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Ô nhiễm khí thải, bụi tại các thành phố lớn ở VN hiện đang là nỗi lo của người dân
WHO ước tính hơn 2 triệu người trên thế giới chết hằng năm vì ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà, do hít phải những hạt bụi PM10 rất nhỏ, có thể xâm nhập vào phổi và mạch máu, gây ra bệnh tim, ung thư, hen suyễn và các bệnh về hô hấp. Mức ô nhiễm không khí hiện tại trung bình đã gấp 15 lần so với mức gợi ý của WHO.
Ngưỡng chuẩn mà WHO đề xuất là 20 microgam trong 1m3 (ug/m3). Tuy nhiên, báo cáo của WHO cho thấy ở một số thành phố, mật độ lên tới 300 ug/m3 và rất ít nơi còn đáp ứng được gợi ý của WHO.
Theo các chuyên gia của WHO, việc giảm mật độ bụi PM10 từ 70 ug/m3 xuống 20 ug/m3 có thể giúp giảm 15% tỉ lệ tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Nếu thành công, đây sẽ là tiến bộ lớn trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.
Ở các nước phát triển và đang phát triển, yếu tố lớn nhất gây nên ô nhiễm không khí ngoài trời là các phương tiện giao thông gắn máy, các nhà sản xuất nhỏ lẻ và các ngành nghề công nghiệp, đốt than để nấu ăn và sưởi, cũng như nhà máy chạy bằng than. Đốt gỗ và than để sưởi ấm được xem là tác nhân quan trọng với ô nhiễm không khí, đặc biệt ở những vùng nông thôn vào những tháng trời giá lạnh, theo báo cáo của WHO.
Năm 2008, số người tử vong vì ô nhiễm không khí ngoài trời là 1,34 triệu người. Nếu các quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của WHO, thì khoảng 1,09 triệu cái chết đã có thể được ngăn chặn vào năm này. Số người chết như vậy đã tăng so với dự đoán 1,15 triệu người năm 2004. Việc tăng về số người thiệt mạng do nhiều nguyên nhân, như ô nhiễm tập trung, dân số ở đô thị tăng...
Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc môi trường và sức khỏe cộng đồng của WHO, nhận định ở nhiều nước vẫn không có các quy định về chất lượng không khí, hoặc nơi nào có thì các tiêu chuẩn quốc gia và cả việc thực thi quy định đó cũng rất khác nhau.
WHO đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tăng cường tuyên truyền về các nguy cơ đối với sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, xây dựng chính sách hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm tại các thành phố.
“Các giải pháp cho ô nhiễm ngoài trời ở thành phố sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ tình hình phát triển, nguồn gây ô nhiễm và yếu tố địa lý - tiến sĩ Carlos Dora, điều phối viên về can thiệp vì môi trường sức khỏe của WHO, cho biết - Cách tốt nhất là thông tin từ dữ liệu của WHO có thể được dùng để theo dõi xu hướng ô nhiễm không khí theo thời gian, qua đó phát hiện, cải thiện và can thiệp một cách có hiệu quả”.
Thủy Tiên (Dailymail)