Cây đười ươi (còn gọi là cây ươi, lười ươi) mọc tự nhiên ở trong rừng, nhưng phải 4 năm mới cho ra quả một lần nên quả đười ươi là hàng hiếm, được ví như "lộc trời" ban tặng cho người dân nơi đây.
Cây ươi là dạng cây to cổ thụ, có chiều cao trung bình từ 25-30m, thân thẳng đuột, quả thường hay mọc ở đầu ngọn, đầu cành nên rất khó trèo để hái mà chỉ chờ chúng chín già rồi bay xuống, theo gió đẩy đưa có thể bay xa ra khỏi gốc ươi bán kính từ vài ba mét đến vài chục mét.
Trước đây, người dân vào rừng nhặt trái ươi về để bồi bổ, còn bây giờ vì chúng mang lại giá trị kinh tế cao, nên nhiều người rủ nhau vào rừng để hái chúng từ trên cây rồi về sấy khô, sau đó bán cho thương lái.
Thông tin trên Kiến Thức, hiện nay, trên thị trường, hạt ươi có 2 loại, loại ươi bay là loại quả tự chín rồi theo gió thổi bay xuống đất và hạt ươi do người dân tự hái trên cây sau đó mang về sấy khô.
Giá thành của 2 loại cũng khác nhau, hạt ươi bay được bán với giá dao động từ 280.000-300.000đ/kg có khi cao điểm lên tới 500.000đ/kg, trong khi đó, hạt ươi do người dân tự sấy có giá mềm hơn, khoảng 180.000-250.000đ/kg.
Chị Hạnh An- người bán đặc sản trên chợ mạng cho hay, hạt ươi có nguồn gốc từ Đồng Nai. Loại hạt này mỗi năm chỉ có 1 mùa, từ tháng 4-tháng 6 dương lịch, nếu không mua nhanh sẽ phải chờ năm sau mới có.
"Vì nhiều người khai thác nên cây bị cưa, cành bị chặt nhiều, diện tích rừng bị thu hẹp, nên ươi ngày càng hiếm. Tôi ưu tiên cho những khách quen đặt trước, còn lại mới bán lẻ ra thị trường", chị Hạnh An nói thêm.
Cách dùng hạt ươi khá đơn giản, chỉ cần lấy 5-6 hạt ươi, ngắt bỏ 2 đầu rồi ngâm trong nước ấm cho đến khi nó nở ra, bỏ phần vỏ bên ngoài và hạt cứng bên trong, lấy phần thịt mềm sau đó pha thêm với đường phèn hoặc sữa đặc sẽ có ngay ly nước giải khát ngon lành.
Ươi có vị ngọt nhẹ, mát, ăn giòn sần sật như thạch. Hạt ươi mua về nếu bảo quản đúng cách có thể để tới 2 năm. Người tiêu dùng sẽ mua về và cất trong ngăn mát tủ lạnh, tránh để chúng chạm nước vì chúng sẽ nở bung hết.
Theo báo Sức Khỏe& Đời Sống, dưới đây là một vài công dụng của hạt lười ươi:
Theo Đông y, quả (hạt) lười ươi có vị ngọt, tính mát, lợi vào 2 kinh phế và đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, lợi hầu, giải độc, nhuận tràng, thông tiện. Chủ trị đau rát họng, khàn tiếng, ho khan không đờm, đại tiện táo kết, nóng hâm hấp trong xương, đầu đau, mắt đỏ, răng lợi sưng đau; trĩ lở loét… được sử dụng trong các trường hợp viêm họng cấp tính và mạn tính, viêm amiđan, polyp thanh quản, viêm phế quản cấp tính…
Các biện pháp tự nhiên làm giảm viêm họng: Kinh nghiệm dân gian dùng hạt lười ươi làm thuốc thanh nhiệt, nhuận tràng bằng cách cho hạt lười ươi vào cốc nước nóng cho hạt nở ra, một lúc sau thành thứ nước sền sệt như thạch. Thêm đường vào cho đủ ngọt, chia nhiều lần uống trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng trong các trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.
Cách sử dụng hạt lười ươi chữa viêm họng: Hỗ trợ và điều trị viêm họng cấp tính và mạn tính: Lười ươi 3-5 quả, sinh đông qua tử (hạt bí đao sống) 12g; sắc với nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Bài thuốc sắc chữa viêm họng mạn tính: Dùng lười ươi 5 hạt, cúc hoa 6g, sinh cam thảo 6g; sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 5-7 ngày.
Hỗ trợ và điều trị đau rát họng, ho khan, khàn tiếng: Lười ươi 5 hạt, cam thảo 3g. Sắc uống thay trà, uống trong ngày. Trẻ em và người cao tuổi khi dùng có thể pha thêm chút đường phèn cho dễ uống.
Chữa đau rát họng, mất tiếng và viêm họng mạn tính: Lười ươi 5 quả, trà búp 6g, trám trắng 4 quả, ô mai 2 quả, mạch môn đông 24g; cùng sắc với nước, thêm chút đường, chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Chữa yết hầu sưng đau, ho khan, đại tiện táo kết: Lười ươi 2-3 hạt, mật ong lượng vừa đủ. Lười ươi rửa sạch, cùng mật ong cho vào cốc, hãm nước sôi, đậy kín ủ khoảng 10 phút; khuấy nhẹ cho mật ong tan đều, uống trong ngày.
Minh Anh (t/h)