Theo nhóm khoa học gia đến từ Đại học Palermo (Ý), loại quả thần kỳ giúp chống lại gan nhiễm mỡ và ổn định nhiều chỉ số mỡ máu là cà chua.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng những con chuột bị làm cho mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ lipid trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan.
Kết quả thu được tốt ngoài mong đợi. Không chỉ làm đảo ngược tình trạng nhiễm mỡ của gan, việc tiêu thụ cà chua còn làm giảm nhiều chỉ số biểu hiện tình trạng rối loạn lipid máu (dân gian thường gọi là mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ).
Các chỉ số được cải thiện bao gồm nồng độ triglyceride (chất béo trung tính) và cholesterol xấu LDL giảm; trong khi cholesterol tốt HDL lại gia tăng đáng khích lệ. Ngoài ra, các con chuột này còn cải thiện một cách rõ rệt mức đường huyết lúc đói, đều có thể giúp ngăn ngừa cả bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học Ý nhận thấy việc bổ sung cà chua thường xuyên làm thay đổi biểu hiện gien gan, cụ thể là sự điều hòa tăng của Gk và Hnf4-alpha, liên quan đến cân bằng nội mô và trao đổi chất. Món ăn này cũng tác động tốt hơn đến các yếu tố điều hòa phản ứng viêm trong cơ thể.
Các kết quả nói trên ủng hộ các bằng chứng trước đó cho thấy tác động thần kỳ của chế độ ăn Địa Trung Hải lên sức khỏe con người. Với người dân khu vực này - như ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp - cà chua được dùng rất phổ biến trong các món ăn. Ngoài ra, cà chua cũng rất phổ biến trong món ăn của nhiều quốc gia, khu vực khác, bao gồm cả Việt Nam.
Kết luận trong bài công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition, các nhà khoa học nhận định việc ăn cà chua thường xuyên có thể là một phương pháp dinh dưỡng trong việc ngăn ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, theo bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược Tp.HCM, ăn cà chua hằng ngày còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như:
- Tốt cho mắt: Cà chua là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà và tăng thị lực cho đôi mắt. Nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng vitamin A cao của cà chua có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng - căn bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến mù mắt. Hơn nữa, cà chua có thể giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Trong cà chua còn có các chất chống oxy hóa như lycopene, lutein và zeaxanthin.
-Phòng ngừa ung thư: Ăn nhiều cà chua có thể giúp chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Cà chua cũng có thể giúp giảm nguy cơ một số bệnh ung thư khác như dạ dày, phổi, cổ tử cung, vòm họng, trực tràng, đại tràng, thực quản và ung thư buồng trứng nhờ các chất chống oxy hóa, đặc biệt là nhờ vào hàm lượng lycopene cao có trong cà chua.
- Làm đẹp da: Cà chua chứa lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và làm cho làn da của bạn ít nhạy cảm với tia cực tím, một trong những nguyên nhân gây ra nếp nhăn ở da. Chà bột cà chua lên làn da thô ráp của bạn giúp se lỗ chân lông, tái tạo và làm săn da mặt.
- Chống tiểu đường: Cà chua chứa rất ít carbohydrate nên giúp làm giảm lượng đường trong máu. Một vài nghiên cứu tìm thấy vai trò của các chất chống oxy hóa trong cà chua bảo vệ thành mạch và thận - những cơ quan hay bị tổn thương do bệnh tiểu đường.
- Tránh loãng xương: Cà chua có chứa vitamin K và canxi giúp giữ cho xương khỏe mạnh và chống loãng xương - nguyên nhân của gãy rạn, biến dạng xương dẫn đến khuyết tật.
- Ngừa tim mạch và đột quỵ: Lycopene là chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi quá trình oxy hóa. Nghiên cứu "So sánh bằng chứng lâm sàng về việc tiêu thụ cà chua và bổ sung lycopene phòng nguy cơ tim mạch" cho thấy những người ăn thực phẩm chứa lycopene có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ thấp hơn.
Đối với một người bình thường có thể dùng 200g cà chua/ngày. Có thể rửa sạch, ăn sống hoặc xay sinh tố dùng hằng ngày, với lượng cà chua này có thể đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin A, C, sắt và kali của cơ thể trong một ngày.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ)