Rau nhót, có cái tên khác là rau còng còng hay rau sương muối, cao từ 10 - 15cm, là cây thân thảo có màu hồng nhạt, mọng nước, nhỏ nhiều nhánh, lá dải giống cây hoa mười giờ, loại rau này mọc dại ở hồ tôm, đầm lầy, cánh đồng muối...
Rau này thường mọc hoang thành từng đám, có rễ rất sâu. Đây là loại rau không cần tốn công sức chăm bón, mọc hoang dã tự nhiên.
Theo báo Lao Động, rau nhót thường xuất hiện ở khu vực ven biển Cát Bà (Hải Phòng) và ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Anh Vũ Việt Phát - nhân viên Ban Quản lý dự án huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng) - cho biết, chính vì rau nhót mọc tự nhiên, không sử dụng thuốc sâu hay chất kích thích nên rất được ưa chuộng, trở thành món ăn hấp dẫn.
“Rau nhót thường mọc ở các ruộng muối hoặc ven biển Cát Bà. Trước đây rất ít người biết tới nhưng thời điểm gần đây, loại rau được bán với giá 30.000 đồng/kg.
Khi ăn, rau nhót có vị mặn mặn, sừn sựt. Nó thường được chế biến luộc, làm món nộm hoặc có thể xào chung với các loại hải sản, tỏi. Món ăn này được nhiều người truyền miệng là bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ”, anh Phát cho biết.
Thông tin trên Tạp chí Nông thôn mới, nhận thấy, mặc dù là cây dại, nhưng rõ ràng rau nhót đang được rất nhiều người ưu chuộng, bởi những đặc tính hấp dẫn của nó, như có thể luộc, xào với các loại thịt, hải sản, nấu canh… ăn rất lạ miệng và còn rất bổ dưỡng.
Không chỉ vậy, rau nhót còn mang lại giá trị kinh tế rất cao, anh Trần Văn Quân (SN 1984), trú tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã nảy sinh ý tưởng “thuần hóa” loài rau dại này, biến nó thành thứ cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.
Nghĩ là làm, lúc đầu anh thuê lại một vài mảnh ruộng trên cánh đồng Doi để thử nghiệm. Vì chưa có kinh nghiệm, nên anh tự mày mò, đo thử độ pH trong đất, thì thấy khá thích hợp với cây rau này, nên anh “đánh liều” thầu khoán lại hơn 1ha để thực hiện ý tưởng của mình.
Vào năm 2018, sau khi vay mượn được hơn 500 triệu đồng, anh Quân bắt tay ngay vào cải tạo đất, làm hệ thống mương thoát nước và lắp đặt vòi tưới tự động anh học được ở trên mạng… Rồi tìm về các trang trại gà để mua phân gà về ủ thành phân vi sinh bón cho rau.
Trải qua bao khó khăn, thậm chí có lúc nản lòng, cuối cùng anh Quân đã đạt được thành công nhất định.
Anh Quân chia sẻ, hiện gia đình anh đang canh tác gần 2ha rau nhót, trung bình mỗi tháng anh thu hoạch từ 3 - 5 tấn rau. Với mức giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí mang lại cho gia đình thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới... anh cần tới 20 lao động.
Theo anh Quân, cây rau nhót mọc dại ngoài tự nhiên chỉ có vòng đời khoảng 3 tháng, còn cây rau của Quân thì chu kỳ kéo dài đến 11 tháng. Chỉ cần cắt phần ngọn, bón phân và tưới nước đều, chỉ vài ngày sau cây sẽ tự mọc lớp chồi mới.
Còn anh Lê Quang Đạo- người dân tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), thời gian gần đây rau nhót bỗng trở thành hiện tượng được nhiều người săn đón để thưởng thức hoặc mua về làm quà.
“Trước đây, loại rau này ít được biết tới, mọc rất nhiều vào thời điểm cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Người ta hay gọi là rau dại, cũng không ai biết loại rau này có từ bao giờ. Loại rau này mỗi người có khẩu vị khác nhau khi thưởng thức, có người thấy thanh mát nhưng cũng có người cảm thấy hơi mặn”, anh Đạo cho biết.
Cũng theo anh Đạo, hiện nay ngoài việc bán rau nhót nhiều người còn đầu tư vào kinh doanh loại rau này vì nguồn thu nhập cao.
Theo một số chuyên gia, hiện nay rau nhót là loại rau chưa có nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, trên trang web Y Dược học Việt Nam cho biết, rau nhót còn có tên gọi khác là cây phì diệp biển.
Theo Đông y, phì diệp biển chứa hàm lượng cao các muối natrium và kalium. Do cây mọc ở vùng biển, chứa muối nhiều nên người ta cho rằng nó có tính nhuận tràng, lợi tiểu, chống scorbut.
Quốc Tiệp (T/h)