Cây rau sắng hay còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng, rau ngót quế… thuộc loại cây thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá của những vùng núi có độ cao so với mặt nước biển từ 100m trở lên. Đây là loại cây ưa ánh sáng, có cây cao tới 13m.
Lá sắng thuộc loại lá đơn so le, nhẵn, nạc, mặt giống như da. Cuống là dài khoảng 5 mm. Phiến lá hình mác, hoặc bầu dục, hình trứng hoặc hình trứng lộn ngược.
Rau sắng nổi tiếng ở chùa Hương (Hà Nội), vùng núi đá Kim Bảng (Hà Nam), vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Người dân thu hoạch những ngọn non từ cây thân gỗ cao 3-7m. Hoa rau sắng mọc ở thân cây. Hoa và lá non đều ăn được, trở thành đặc sản hiện nay.
Rau sắng có hai loại sắng nếp và sắng tẻ. Sắng nếp ăn ngon gấp nhiều lần so với sắng tẻ. Rau sắng của những cây mọc ở bìa rừng có mầm cao hơn, ăn sẽ ngon, bùi và giòn hơn.
Hiện trên thị trường rau sắng có giá bán rất đắt, thậm chí có nơi bán 500.000 đồng/kg, cao hơn tôm, thịt. Mùa của rau vào tháng 2 và tháng 3 Âm lịch hằng năm.
Về giá trị dinh dưỡng, rau sắng chứa 82,4% nước, 5,6-6,5% protein, 5,3-5,5% gluxit, 2,2% cellulose. Trong 100g rau chứa 0,23g lysen, 0,19g methionin, 0,08g tryptophan, 0,25g phenylanalin, 0,45g treonin, 0,22g valin, 0,26g leucin, 0,23g Isoleucin. Đây đều là các axit amino cần thiết cho cơ thể.
Như vậy, hàm lượng dinh dưỡng của rau sắng cao gấp nhiều lần rau ngót và đậu ván. Bởi vậy, đây là loại rau khi nấu canh ăn rất ngọt nước. Không chỉ vậy, rau sắng còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Theo Đông y, rau sắng có vị bùi, tính mát, được dùng trong giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa nhiệt miệng, táo bón. Rau còn có tác dụng giảm cân vì chứa nhiều chất xơ, các axit amin, lysine, caroten. Đặc biệt, rau dùng được cho phụ nữ sau sinh con, tránh sót nhau thai. Trước đây, thực phẩm hiếm, rau sắng được dùng để bồi bổ cho người mới ốm dậy.
Người bị nhiệt miệng, nhiệt do bia rượu lấy lá rau sắng giã ra vắt nước uống chỉ 1-2 lần hết triệu chứng. Với trẻ em bị mụn nhọt, ho, viêm phổi, cha mẹ dùng loại lá này nấu canh giúp tiêu độc nhanh cho con. Trường hợp trẻ bị tưa lưỡi lấy rau sắng giã nát, hòa với mật ong và dùng bông gạc thấm, chà lên lưỡi, họng.
Bạn có thể tham khảo những món ngon như rau sắng nấu canh (bò, heo, gà, tôm) tùy sở thích. Rau sắng rửa sạch vò mềm cho vào chế biến, nêm gia vị vừa ăn. Với món rau sắng xào thịt bò, cho tỏi bằm nhuyễn phi thơm, bỏ rau non vào xào đều sau đó trút thịt bò xào to lửa, ăn lúc vừa chín.
Lưu ý, những phụ nữ mang thai không nên ăn rau này. Người có đường ruột kém, hay đầy bụng khó tiêu cũng hạn chế ăn. Ngoài ra, rau sắng có tác dụng hạ huyết áp nên những người huyết áp thấp không nên ăn.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió và núi này.
Đun nồi nước sôi, thêm chút muối ăn và nếm thấy vừa vặn thì cho nắm lá rau sắng cùng các đọt thân đã rửa sơ vào nước, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay, không nên nấu nát quá tuy làm nước ngọt hơn nhưng rau lại bã, ăn mất ngon.
Đặc biệt, không nên bỏ thậm chí cả những đọt thân hơi già và không cần dùng mì chính cho món canh này. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng mát mát của chất đạm thực vật thật khó tả.
Minh Hoa (t/h theo Dân Việt, VietNamNet)