Rau muống có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được trồng ở Ấn Độ, Malaysia, châu Phi, Brazil, Caribbean và Trung Mỹ, phổ biến trong ẩm thực nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Khi cộng đồng châu Á di cư sang Mỹ sinh sống, nhu cầu ăn loại rau này tăng lên.
Tuy nhiên, tại bang Georgia thuộc vùng đông nam nước Mỹ, suốt nhiều thập kỷ, thứ rau này bị coi là bất hợp pháp. Theo tạp chí Atlanta, rau muống đã bị cấm ở bang này từ những năm 1970 do tính chất xâm lấn. Loài thực vật này cần đất ẩm để phát triển. Chúng được mô tả mọc như cỏ dại, tiêu thụ nguồn nước gần đó và gây hại cho thực vật bản địa.
Trồng rau muống không mất nhiều thời gian, chỉ cần nước và đất ẩm. Ngọn rau muống có thể dài ra tới 10 cm mỗi ngày, khiến chúng trở nên khó kiểm soát, có thể gây nguy cơ như cản trở dòng nước, làm hỏng đường ống dẫn nước, cống rãnh hay kênh kiểm soát lũ. Ngoài ra, rau muống cũng được xem là tạo ra môi trường sinh sản cho muỗi, phá hoại ao hồ, gây hại cho thực vật bản địa, đặc biệt là ở vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm ướt như Georgia và Florida.
Do sự phát triển mạnh mẽ của rau muống, các bang miền Nam như Florida, Texas và Georgia có những quy định nghiêm ngặt về việc quản lý loại rau này.
Ở Florida, rau muống phải được trồng trong nhà kính, thu hoạch và đóng gói tại chỗ trước khi vận chuyển. Theo Ủy ban bảo tồn cá và động vật hoang dã, người dân không thể trồng rau muống trong ao, hồ, sông hoặc kênh rạch.
Trong khi đó, suốt thời gian dài, những người gốc Á sống ở bang Georgia phải mua rau muống từ hai bang Florida và Texas. Thậm chí, họ lén bán rau trên ô tô ở các bãi đậu xe siêu thị hoặc chuyển tới nhà cho khách.
Jenny Vo, giám đốc điều hành hai siêu thị địa phương là City Farmers Market và Hong Kong Supermarket, tiết lộ, có thời điểm giá rau muống bán ngoài chợ đen lên tới 22 USD/kg (hơn 515.000 đồng). Mức giá này cao gấp 3 lần so với các bang khác.
"Đi tới nhà hàng muốn ăn rau muống, khách cũng phải hỏi thật khéo và bí mật kiểu như "chỗ anh có bán món đó hay không?" Đúng là một thử thách chỉ để thưởng thức món rau", cô Jenny Vo nhớ lại.
Phong trào chống lại lệnh cấm rau muống bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi Hong Kong Supermarket tại Georgia thu thập chữ ký để kiến nghị với các nhà làm luật dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu và bán rau muống trong tiểu bang này.
Ông Ben Vo, người đại diện viết đơn kiến nghị và là cha Jenny Vo, lập luận rằng nếu được áp dụng các quy định phù hợp, rau muống sẽ trở thành loại cây có nguy cơ thấp.
Một dự luật do Hạ nghị sĩ Pedro Marin đưa ra năm 2016 nhằm đưa rau muống ra khỏi danh mục "gây bệnh cho thực vật" được sự ủng hộ của cộng đồng nhưng sau đó bị bãi bỏ.
Năm 2021 trong cuộc bầu cử tại bang Georgia, rau muống tiếp tục trở thành chủ đề nóng được nhắc tới. Nghị sĩ bang Marvin Lim nhận ra loại rau này khi ông tới thăm ngôi làng nơi mẹ ông lớn lên tại Philippines.
Từ đó, ông nghiên cứu và trò chuyện với các chuyên gia từ Florida, Texas, tìm hiểu cách các bang này canh tác rau muống mà không gây hại cho môi trường. Trong khi đó, bản thu thập ý kiến nhận được 100.000 chữ ký với sự đồng thuận cao.
Mãi đến cuối tháng 3 năm nay, lệnh cấm rau muống tại bang Georgia mới được gỡ bỏ sau nhiều thập kỷ bị cấm. Rau muống được phép nhập khẩu từ các bang khác và bán tại bang này.
Khi lệnh cấm bán rau muống được dỡ bỏ, nhu cầu loại rau này ở Hong Kong Supermarket tăng nhanh tới mức ông Ben Vo phải giục Jenny Vo đặt hàng với các nhà cung cấp từ Texas nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.
Tuy nhiên đến nay, việc trồng rau muống vẫn chưa được phép ở bang Georgia. Khi được bày bán, rau muống được cắt gốc rất sâu để không sót lại phần rễ nào khi khách mang về nhà, đảm bảo họ không thể trồng tiếp. Nhưng nhà chức trách đang nghiên cứu các quy định cho phép trồng rau muống nước theo giấy phép của ủy ban nông nghiệp bang này. Nếu được thông qua, Georgia là bang thứ 5 ở Mỹ cho phép trồng loại rau này dưới điều kiện nghiêm ngặt, sau California, Florida, Hawaii và Texas.
Hiện, rau muống được bày bán công khai tại các tiệm tạp hóa ở Georgia với giá 6 USD/ kg (hơn 140.000 đồng), rẻ hơn trước rất nhiều.
Minh Hoa (t/h)