Sâu chít vốn là ấu trùng của loài bướm Brihaspa astrostigmella. Sâu dài khoảng 35mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông.
Sâu cắn đục thân cây làm cây ngừng sinh trưởng. Người dân thu hoạch sâu chít vào tháng 11-12 hằng năm, thường là đem ngâm rượu uống.
Sâu chít không chỉ là thực phẩm dinh dưỡng mà còn là bài thuốc đông y dùng ngâm rượu để bồi bổ cơ thể. Công dụng điển hình của sâu chít được dân gian truyền miệng là “phục tráng sức khỏe”.
Ở Điện Biên, sâu chít tươi được coi là một trong những đặc sản thiên nhiên nổi tiếng nhất nhì. Loài vật này cũng có ở một số tỉnh giáp với Điện Biên như Lai Châu, Sơn La nhưng không nhiều bằng.
Trong những tháng khác không phải mùa thu hoạch chính nhưng cũng có nhiều sâu chít, bởi chúng hợp với thổ nhưỡng ở Điện Biên và sinh trưởng tự nhiên, phát triển tốt…
Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra.
Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Có một cách đơn giản hơn, đó là ngay sau khi lôi sâu chít ra khỏi thân cây chít, ngâm sâu chít trong một chậu nước lạnh để sau nhả ra hết chất bẩn bên trong ra ngoài. Ngâm sâu chít trong khoảng 3h, mỗi giờ lại thay nước một lần.
Như vậy, khi ngâm rượu sâu chít sẽ có màu đẹp nhất, mùi vị cũng ngon nhất. Vớt sâu chít ra, để ráo nước rồi rửa sâu chít qua một lần với rượu. Lưu ý không làm sâu bị rách hay vỡ.
Dù có vẻ bề ngoài khiến nhiều người dè chừng, e ngại nhưng sâu chít lại là đặc sản thơm ngon, có giá thành cao và được giới sành ăn săn đón. Thông thường, một bó sâu chít 100 ngọn được bán với giá từ 160.000 – 200.000 đồng.
Tuy nhiên, loại đã chẻ, tách riêng sâu chít ra khỏi đọt thì đắt hơn, giá dao động từ 900.000 – 1.000.000 đồng/kg. Riêng loại sấy khô có giá lên tới vài triệu đồng mỗi cân.
Sở dĩ sâu chít có giá thành đắt đỏ là bởi việc thu hoạch chúng tốn nhiều thời gian, công sức. Loài côn trùng này cũng được giới sành ăn truyền tai nhau các công dụng như tăng cường sinh lực phái mạnh, làm đẹp da,…
Theo người dân địa phương, để lấy được sâu chít một cách nguyên vẹn, không bị dập và đảm bảo chất lượng đòi hỏi quá trình xử lý tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận.
“Sau khi thu hoạch những bó chít từ rừng về nhà, chúng tôi phải tách sâu ra trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Bởi nếu để lâu, sâu chết sẽ làm giảm chất lượng và khi bán sẽ bị mất giá”, anh Lê Hùng, chủ một nhà hàng chuyên phục vụ các món đặc sản ở Điện Biên cho biết.
Ngoài ra, sâu chít được chế biến thành nhiều món ăn như: rang giòn, xào trứng, sấy khô, tán bột, nấu cháo hoặc có thể ngâm rượu uống.
Các món ăn chế biến từ sâu chít không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
Xưa kia, các thuộc hạ của Lãnh chúa Đèo Văn Long thường trèo lên các triền núi đá vôi nơi cây chít mọc lấy sâu chít về để tiến vua, ngâm rượu, làm quà.
Mới đây nhất rượu sâu chít là một trong hai đặc sản của Điện Biên đã được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam công nhận vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam lần thứ ba 2015.
Minh Hoa (T/h theo báo Nghệ An, Dân Việt)