Cuốn sách mới, nhan đề "Stung! On Jellyfish and the Future of the Oceans" của tác giả Lisa-ann Gershwin đã mô tả mức độ nguy hiểm của sứa, cũng như cách chúng đã tàn phá các hệ sinh thái như thế nào. Phần lớn sức mạnh của sinh vật này, theo tác giả Gershwin, bắt nguồn từ vòng đời của chúng.
Sứa vẫn sinh sôi nảy nở trong môi trường khắc nghiệt, khi các loài khác đang chết dần, chết mòn. (Ảnh: Corbis)
Tiến sĩ Gershwin đúc kết các đặc điểm tạo nên sức mạnh của sứa như sau: "Sự lưỡng tính. Nhân giống vô tính. Thụ tinh ngoài. Tự thụ tinh. Tán tỉnh và giao phối. Sinh sản phân đôi. Tan chảy. Ăn thịt đồng loại".
Một loài sứa có tên Mnemiopsis, có khả năng đẻ trứng khi chỉ 13 ngày tuổi mà không cần bạn tình. Chúng cũng nhanh chóng có thể đẻ tới 10.000 trứng mỗi ngày. Ngoài ra, các con sứa Mnemiopsis có thể ngốn ngấu số thức ăn gấp hơn 10 lần trọng lượng của chúng và tăng gấp đôi kích cỡ mỗi ngày.
Một số loài sứa khác cũng vô cùng khó tiêu diệt. Khi phải đối mặt với cái chết, chúng có thể "sinh trưởng ngược", tức là giảm kích thước nhưng vẫn giữ nguyên sự cân xứng của cơ thể. Đặc biệt, loài sứa zombie (thây ma sống) dường như bất tử. Khi các hạt cơ thể tan rã, các tế bào sẽ thoát ra ngoài và hình thành một cơ thể sứa hoàn toàn mới. Quá trình phát triển này xảy ra chỉ trong vòng 5 ngày.
Nhà nghiên cứu Gershwin cho biết, các hệ sinh thái phức tạp thường dồn sứa vào bước đường cùng. Tuy nhiên, sự can thiệp và thao túng của con người thúc đẩy sự phát triển và giúp dân số của loài sinh vật này tăng trưởng đến mức bùng nổ.
Sứa xuất hiện ngày càng nhiều trên các bãi biển khắp thế giới. (Ảnh: Corbis)
Bà Gershwin nhận định, việc đánh bắt quá mức cá trồng - đối thủ cạnh tranh thức ăn với sứa, đã tạo ra các đàn sứa khổng lồ ở Nam Phi. Các đối thủ của sứa nhanh chóng chết dần chết mòn, để lại một "vùng tàn sát nhầy nhớt".
Các túi bóng và dây trôi nổi có thể hủy hoại một vài sinh vật ăn thịt sứa tự nhiên như rùa biển. Trong khi đó, sứa sử dụng các loại rác cứng như chất thải công nghiệp để hình thành khu nuôi dưỡng rộng lớn.
Mức axit và carbon dioxite tăng cao được ghi nhận đã giết hại nhiều loài cá khác nhau. Tuy nhiên, sứa lại sinh sôi nảy nở trong những môi trường khắc nghiệt như vậy. Chúng giải phóng chất thải có hàm lượng carbon cao và vi khuẩn sử dụng lượng carbon này để tạo ra "các nhà máy carbon dioxite".
Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là tại vịnh Mexico năm 2000, khi sứa xâm chiếm một diện tích 155,4km2. Chúng đã sống sót qua sự càn quét của cơn bão hủy diệt Katrina và sự cố tràn dầu năm 2011 ở vùng vịnh, trong lúc hàng ngàn sinh vật khác bị tiêu diệt.
Sứa phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt ở vịnh Mexico, nơi hàng ngàn loài sinh vật khác bị chết
Tác giả Gershwin thống kê được rằng, hai loài sứa hộp và sứa Irukandji từng cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Cụ thể là, sứa hộp có thể giết người chỉ trong vòng 2 phút; còn sứa Irukandji, vốn có thể gây ra chứng chuột rút, đau co thắt và nôn mửa, đã tàn sát vô số nạn nhân. Nhiều vụ tử vong vì sứa đã bị nhầm lẫn do đột quỵ hoặc đau tim.
Khi ở thành nhóm với số lượng đông, sứa có khả năng "gây tắc nghẽn" kỳ lạ, bà Gershwin viết. Chúng có thể để chui rúc vào các đường ống hút hay đeo bám vào các cấu trúc nặng. Ví dụ như, tháng 7/2006, sứa bị mắc kẹt vào hàng không mẫu hạm US Ronald Reagan, vô hiệu hóa các khả năng hoạt động của tàu sân bay này. Các nhà máy điện hạt nhân Nhật cũng từng được đặt trong tình trạng báo động "bị sứa tấn công" kể từ những năm 1960.
Theo Vietnamnet, Daily Mail