Cua tuyết có tên khoa học là Chionoecetes Opilio thuộc họ Oregoniidae. Loài cua này phân bố chủ yếu ở tây bắc Đại Tây Dương (như Greenland, Newfoundland, trong Vịnh St.Lawrence) và bắc Thái Bình Dương (ví dụ như Alaska, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Người ta thường tìm thấy cua tuyết ở độ sâu từ 13 - 2187m, đây là nơi có nhiệt độ thấp (1 đến 10 độ C), đáp ứng điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của loài cua này.
Do môi trường sống lạnh giá nên phần vỏ của cua tuyết rất cứng, chân dài chiếm nhiều thịt và gần như chiếm phần lớn khối lượng cơ thể. Thức ăn chủ yếu của cua tuyết là các động vật không xương sống khác chẳng hạn như động vật giáp xác, động vật hai mảnh vỏ,…
Loài cua này được nhiều người yêu thích vì phần thịt rất ngọt và giàu hương vị. Phần bụng của cua cái chứa nhiều trứng và gạch với hương vị đậm đà, để lại ấn tượng khó quên cho thực khách sau khi thưởng thức.
Không chỉ thơm ngon, theo nhiều nghiên cứu khoa học, thịt cua tuyết cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Lượng canxi, phốt pho dồi dào chính là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng xương khớp, giảm viêm cơ. Ngoài ra, các chất như vitamin B2, selen, axit béo omega-3 được tìm thấy trong cua cũng có tác dụng hỗ trợ bảo vệ tim, có lợi cho hoạt động của hệ thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tuần hoàn và giải độc cơ thể.
Tại Nhật Bản, cua tuyết được mệnh danh "vua của các món ngon" vào mùa đông. Hokkaido là nơi tập trung những loại cua ngon và hảo hạng nhất. Ngoài ra, tỉnh Niigata cũng cực kỳ nổi tiếng với đặc sản cua tuyết.
Vào mùa đông, rất nhiều du khách đến những địa điểm này để thưởng thức cua tuyết và đi mua sắm ở những khu chợ hải sản.
Cua tuyết đực và cái thường có tên gọi khác nhau, thay đổi tùy theo khu vực chúng sinh sống. Cua tuyết đực được đánh bắt ở các tỉnh Kyoto, Hyogo và Tottori được gọi là cua Matsubagani, còn loại đánh bắt ở vùng Hokuriku được gọi là cua Echizengani. Giống cua cái có tên gọi Sekogani, Oyagani, Kobakogani, Komochigani...
Cua tuyết tại Nhật Bản được đánh bắt chủ yếu vào mùa thu và mùa đông nhưng loại hải sản này bị hạn chế đánh bắt nên giá của chúng khá đắt đỏ và đa phần phục vụ nhu cầu trong nước.
Mới đây, trong phiên đấu giá ngày 6/11 tại cảng cá Hamasaka, Shinonsen, tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản, một con cua tuyết đã được bán với mức giá kỷ lục 10 triệu yen (khoảng 66.350 USD - gần 1,62 tỷ đồng).
Theo Mainichi, con cua tuyết nặng 1,2kg được đánh bắt ngoài khơi vùng Sanin kéo dài dọc theo bờ biển phía Tây Nam của đảo Honshu.
Người chiến thắng là ông Ryosuke Uemura, 47 tuổi, chủ nhà hàng Ryouriya Uemura ở phường Chuo (Kobe).
"Cua tuyết ở cảng Hamasaka chất lượng cao và tôi muốn nhiều người biết đến điều này hơn. Tôi muốn ăn cua tuyết với những khách quen của nhà hàng mình", Uemura nói.
Con cua tuyết lần này đáp ứng đủ tiêu chí, được gắn nhãn hiệu đặc biệt, giá bán lên đến 10 triệu yen. Theo Văn phòng Thủy sản Tajima của tỉnh Hyogo, mức giá này đã vượt qua kỷ lục 3,15 triệu yên (khoảng 509 triệu đồng) trước đó của tỉnh được thiết lập tại thị trấn cảng Shibayama của Kami vào năm 2022.
Ông Uemura cũng đấu giá 2,5 triệu yên (khoảng 404 triệu đồng) cho một con cua kiraboshi vào ngày 7/11. Theo chi nhánh này, đây là lần đầu tiên cảng bán ra hai con cua có giá hơn 1 triệu yên (khoảng 161 triệu đồng) trong hai ngày liên tiếp.
Minh Hoa (t/h)