Con người có thể sống sót khi đối mặt với bức xạ trên bề mặt Sao Hỏa bằng cách bổ sung một lượng nhỏ DNA từ Tardigrade – sinh vật còn được gọi là gấu nước, Chris Mason, một nhà di truyền học và là phó giáo sư sinh lý học, vật lý sinh học tại Đại học Weill Cornell cho biết.
Một trong những mối quan tâm chính đối với các sứ mệnh du hành không gian là mối nguy hại đến từ việc tiếp xúc với bức xạ.
Gấu nước được biết đến là loài vật tuy nhỏ bé nhưng lại có khả năng sống sót dai dẳng, thậm chí là “bất tử”. Chúng có khả năng sống được trong môi trường bức xạ khắc nghiệt nhất mà không cần thức ăn nước uống.
Một nhóm các nhà khoa gần đây đã hồi sinh một con gấu nước bị đóng băng trong 30 năm, ở nhiệt độ -20 độ C. Không những vậy, trứng của cá thể này vẫn còn nguyên vẹn và có khả năng sinh nở như bình thường.
Mặc dù đưa ra ý tưởng đặc biệt như vậy, nhà di truyền học Chris Mason cho biết, việc tạo ra các phi hành gia “lai” với gấu nước chỉ có thể được thực hiện trong một đến hai thập kỷ tới.
"Nếu có thêm 20 năm khám phá để tìm kiếm được những điều cần thiết, tôi hy vọng chúng ta có thể thực hiện được ý tưởng đưa con người lên sinh sống ở Sao Hỏa”, ông nói với trang Live Science.
Nhà di truyền học nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách chỉnh sửa gen, con người mới có thể sống trong các môi trường khác nhau. "Không phải là câu hỏi nếu chúng ta tiến hóa sẽ như nào mà là khi nào chúng ta sẽ tiến hóa", Mason nói.
Mason nói thêm rằng mọi người đều có thể được hưởng lợi từ các nghiên cứu về chỉnh sửa gen, bởi nếu con người có khả năng chịu được bức xạ, nó sẽ giúp bệnh nhân ung thư chịu đựng được bức xạ và hóa trị liệu với ít tác dụng phụ hơn.
Hà My