Chú sư tử hổ Liliger chào đời
Người ta gọi những con vật như vậy là "Liliger". Vườn thú Novosibirsk của Nga đã đón nhận chú Liliger dễ thương có tên Kiara hồi tháng 8 vừa qua. Cha của Kiara là một con sư tử châu Phi và mẹ là một liger. Mẹ của Kiara là trường hợp hiếm có trong tự nhiên về việc lai tạo giữa hai loài hoàn toàn khác nhau. Còn sự kết hợp giữa sư tử và liger như Kiara là trường hợp đầu tiên trên thế giới.
Bởi vậy, các nhà khoa học đã gọi Kiara là một con Liliger. Kiara có những vết vằn trên trán của một con hổ nhưng những phần còn lại đều giống một con sư tử con. Sau khi sinh Kiara, mẹ của nó là một liger 8 tuổi, tên Zita, không thể có đủ sữa cho Kiara. Các nhân viên vườn thú phải nuôi Kiara bằng sữa bình.
Chú la quen thuộc với người nông dân
Ngoài ra, do mẹ Zita quá yếu không thể nuôi Kiara nên Kiara đã được một "cô mèo" ở vườn thú nhận làm con nuôi. Cô mèo Dasha này luôn âu yếm vuốt ve và chăm sóc Kiara như con đẻ. Và Kiara cũng tỏ ra rất quấn quít Dasha như mẹ ruột của mình. Đến giờ, kích thước của Kiara đã lớn hơn kích thước mẹ nuôi của mình.
Craig Packer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sư tử của đại học Minnesota tại Mỹ nhận định: "Kiara là con Liliger đầu tiên trên hành tinh, song tôi không cảm thấy ngạc nhiên về sự ra đời của nó. Mọi sư tử hổ đều được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt vì chúng không thể sống sót trong môi trường hoang dã. Các đàn hổ và sư tử sống trong những khu vực hoàn toàn khác nhau nên việc chúng giao phối với nhau là điều không bao giờ xảy ra.
Giả sử hai loài cùng sống trong một vùng địa lý, chúng cũng không thể làm vượt qua ranh giới bầy đàn để làm "chuyện ấy". Nếu một con hổ đực tìm cách giao phối với một con sư tử cái, một con sư tử đực sẽ tấn công hổ ngay lập tức. Ngược lại, nếu một con sư tử đực tới gần một hổ cái, một con hổ đực cũng sẽ tìm cách xua đuổi kẻ khác loài. Nhưng trong môi trường nuôi nhốt, hổ và sư tử hoàn toàn có thể giao phối bởi chúng không còn lựa chọn nào khác".
Cũng theo ông Packer, hổ và sư tử từng có tổ tiên chung nhưng chúng bắt đầu tách thành hai loài riêng biệt từ khoảng 7 triệu năm trước. Mặc dù vậy, ngày nay chúng vẫn có thể giao phối với nhau để sinh con. Ông Packer còn bổ sung, nếu sống trong môi trường hoang dã, những con Liliger như Kiara sẽ thể hiện hành vi của cả sư tử và hổ. Liliger có thể sống theo bầy đàn, sẵn sàng hợp tác với loài giống tập tính của sư tử, tuy nhiên, chúng cũng có khả năng sống độc lập, cố định ở một khu vực nhất định giống loài hổ.
Từ sau khi Kiara ra mắt công chúng, đánh dấu sự thành công của khoa học, nhiều sự lai tạo thành công khác lần lượt được thông báo khắp nơi trên thế giới. Trong đó, có thể nhắc đến thành công của vườn thú Koshien Hanshin, Nhật Bản trong việc phối giống giữa báo đực và sư tử cái, cho ra đời một chú Leopon đặc biệt. Đầu của Leopon giống như sư tử, còn những phần cơ thể khác lại là của một con báo thứ thiệt. Leopon có thân hình lớn hơn báo nhưng rất thích trèo cây và nghịch nước. Hay trường hợp gấu Grolar là một trường hợp đáng tiếc trên thế giới. Grola là con lai của gấu rừng, còn gọi là gấu nâu (tiếng Anh Grizzly) và gấu Bắc cực (gấu trắng, tiếng Anh polar bear).
Trong thiên nhiên, hai loài gấu này không ưa nhau nhưng cũng tránh đụng độ nên hiếm khi gặp nhau để "ân ái" cho dù rất giống nhau về mặt di truyền. Tuy nhiên, khi bị ép duyên (cho sống trong một chuồng tại các vườn thú), chúng cũng cho những đứa con lai, được đặt những cái tên ghép là Grolar hoặc Pizzly. Thế nhưng vào ngày 16/4/2006, một người thợ săn tên là Jim Martell ở biên giới Mỹ và Canada đã bắn chết một con Grolar duy nhất sống trong rừng. Thật đáng tiếc, đó là đứa con lai của hai loài gấu lần đầu gặp trong thiên nhiên.
Kiara - chú sư tử hổ Liliger đầu tiên trên thế giới
Thành công nhất của các nhà khoa học có lẽ lại là một chú Toast. Toast là loài vật được các bác sĩ thú y tại Botswana kết hợp giữa một con dê cái và một con cừu đực vào năm 2000. Toast có lớp lông ngoài thô và to, lớp lông trong thì mịn, chân dài như chân của dê và thân hình nặng nề của cừu. Con vật này có sức sống khá tốt trong thiên nhiên.
Thực ra việc lai giữa cừu và dê gặp rất nhiều khó khăn bởi mặc dù 2 loài này trông giống nhau về tập tính cũng như cấu tạo nhưng cừu và dê là 2 loài riêng biệt, chúng có số nhiễm sắc thể khác nhau: Ở dê là 60 và 54 ở cừu. Một con cừu-dê Toast có tới 57 cặp nhiễm sắc thể đã được sinh ra tại trung tâm nghiên cứu vật lạ và hoàn toàn khỏe mạnh.
Sinh vật lai thay thế giống thuần chủng
Việc giao phối cận loài ngoài mục đích bảo tồn loài vật quý hiếm, sắp tuyệt chủng, các nhà khoa học còn hi vọng, với phương pháp lai tạo, con người sẽ có thêm những loại thực phẩm, những loài hữu ích, phục vụ đời sống ngày một nâng cao. Điển hình là loài Beefalo được phát triển nhằm tạo ra một loại thịt mới chất lượng hơn, tốt cho sức khỏe hơn. Beefalo, con lai của bò và loài bò rừng bizon Mỹ, là một trong những thành công lớn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm. Beefalo cung cấp nhiều thịt chứa hàm lượng protein cao và ít béo hơn những con trâu, bò đực thông thường.
Thậm chí, thịt của loài này chứa rất ít cholesterol mà vị của nó ngon hơn cả thịt bò thường. Một con vật khá quen thuộc và hữu dụng với nông dân chính là con la. La là con lai giữa ngựa cái và lừa đực, trông nó giống lừa hơn ngựa. La tỏ ra khá nhanh nhẹn lại có khả năng thồ hàng tốt hơn ngựa nên thường được dùng để thồ hàng thay lừa trong các chuyến đi xa. Vì ngựa có 64 nhiễm sắc thể và lừa có 62 nên la có tất cả 63 nhiễm sắc thể. Con số lẻ này không cho phép các nhiễm sắc thể phân chia thành cặp, bởi vậy la hầu như không có khả năng sinh con, hay còn gọi là vô sinh. Trong một phần tư thế kỷ qua, chỉ có hai trường hợp la mẹ sinh con: Một ở Marốc vào năm 1984 và một con ở Trung Quốc vào năm 1988.
Craig Packer - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sư tử của Đại học Minnesota
Ngày càng nhiều con vật lạ xuất hiện trên thế giới, mang đặc điểm và tính chất của nhiều loài khác nhau. Với tốc độ lai giống và phát triển của khoa học hiện nay, khoảng 10 năm nữa, thế giới sẽ xuất hiện nhiều giống vật lai hơn và theo các nhà nghiên cứu, số lượng vật lai sẽ chiếm số đông, dần thay thế các sinh vật thuần chủng. Tiến sĩ Mark Costello thuộc đại học Auckland (New Zealand) cho biết: "Các con vật lai tạo giữa các loài thuần khác nhau ra đời là thành công lớn của ngành sinh học và các nhà khoa học.
Mục đích của khoa học là duy trì và bảo tồn những loài vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhưng việc lai giống không hề tạo ra loài vật thuần chủng mà cho ra kết quả ngược lại. Một thực tế rõ nhất là sự thay thế của các loài mới sẽ khiến các loài vật thuần chủng dần biến mất. Đến một lúc nào đó, thế giới sẽ chỉ còn lại toàn các giống vật lai, những loài vật bình thường hiện này cũng có khả năng bị ghi trong sách đỏ".
Lợn rừng lai tại Việt Nam Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng cho ra nhiều loài mới qua việc lai tạo giống. Những con lợn nhà vùng Tamworth được sự phối giống với lợn rừng hoang dã, sinh ra giống lợn thời kỳ đồ sắt. Loài lợn lai này dễ thuần hóa hơn lợn rừng, nhưng lại không dễ bảo như lợn nhà. Nói chung, chúng cho nguyên liệu để làm nên loại xúc xích ngon nhất, nên sẽ được sản xuất đại trà trong các trại chăn nuôi để phục vụ cho công nghiệp chế biến thịt. Việt Nam hiện đang phát triển giống lợn rừng lai có dáng thon, gọn hơn, được nuôi trong nhiều trang trại với số lượng lớn. |
Hồng Nhung