Rùa khổng lồ Fernandina quý hiếm
Bộ Rùa (danh pháp khoa học: Testudines) là những loài bò sát thuộc nhóm chỏm cây của siêu bộ Chelonia (hay Testudinata). Ở nước ta, các loài thuộc bộ rùa được gọi bằng nhiều tên khác nhau như rùa, ba ba, giải, vích, đồi mồi...
Trên thế giới có nhiều loại rùa quý hiếm, nổi bật có một loại rùa từng khiến con người phải chờ đợi hơn 1 thế kỷ để chứng kiến sự hồi sinh. Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh là rùa khổng lồ Fernandina.
Vào năm 2019, các nhà bảo tồn rùa đã vô cùng phấn khích khi tìm thấy chất thải của loài bò sát này ở Vườn Quốc gia Galápagos (Ecuador) sau khi chúng tuyệt tích từ năm 1906. Chất thải trên thuộc về 1 cá thể rùa cái được cho là đã lang thang trên đảo suốt thời gian qua. Họ hy vọng có thể hồi sinh loài rùa này nếu tìm được bạn tình cho con rùa khổng lồ. Con rùa này tên Fern được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu ở Ban chỉ đạo vườn quốc gia Galápagos (GNPD) và tổ chức bảo tồn Galápagos Conservancy.
Theo Đại Đoàn Kết, ở thời điểm đó, nhóm nghiên cứu cho rằng Fern có họ hàng với loài rùa khổng lồ Fernandina với cá thể cuối cùng được ghi nhận cách đây 112 năm. Nhưng họ cần bằng chứng. Các nhà khoa học lấy mẫu máu của con vật và gửi tới một nhóm nhà di truyền học ở Đại học Yale. Những chuyên gia này xác nhận Fern đích thực có gốc gác từ rùa khổng lồ Fernandina (Chelonoidis phantasticus), loài động vật bản xứ trên đảo.
Trong khi các quần thể rùa khổng lồ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn săn bắt vào thế kỷ 19, Chelonoidis phantasticus hầu như bị xóa sổ bởi những vụ phun trào núi lửa trên đảo. Hiện nay, nhóm nghiên cứu ở GNPD và tổ chức bảo tồn Galápagos Conservancy đang lên kế hoạch tiến hành hàng loạt chuyến thám hiểm trở lại đảo Fernandina để tìm thêm thành viên thuộc loài Chelonoidis phantasticus. Có dấu hiệu cho thấy vẫn còn cá thể ở đó. Các cán bộ lâm nghiệp tìm thấy dấu chân và phân sót lại từ ít nhất hai con rùa khác ở núi lửa Fernandina, theo James Gibbs, Phó Giám đốc khoa học và bảo tồn của Galápagos Conservancy.
Đặc biệt, nếu tìm thấy con đực, các nhà nghiên cứu sẽ để hai con vật sống chung để chúng có thể sinh sản. Rùa non sẽ được chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt trước khi thả về đảo. Tình huống này gợi nhắc tới Lonesome George, một con rùa khổng lồ đực chết năm 2012, thành viên cuối cùng của phân loài Chelonoidis abingdoni, hay còn gọi là rùa Pinta. Số lượng rùa Pinta sụt giảm mạnh do săn bắt vào thế kỷ 19.
Sau khi Lonesome George được phát hiện năm 1971 bởi nhà khoa học người Hungary József Vágvölgyi, giới nghiên cứu tiến hành tìm kiếm rùa cái cùng loài trên diện rộng nhưng không thành công. "Chúng tôi không muốn lặp lại số phận của Lonesome George", Danny Rueda Córdova, Giám đốc GNPD, nhấn mạnh. Ông cho biết các đợt thám hiểm tới đảo Fernandina để tìm thêm rùa Chelonoidis phantasticus bắt đầu vào tháng 9/2021.
Rùa có thể sống đến 200 năm
Tuổi của cá thể rùa này không ảnh hưởng đến triển vọng sinh sản vì rùa có thể sống đến 200 năm.
Ông Washington Tapia, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Phục hồi Rùa khổng lồ của Khu bảo tồn Galápagos (GTRI) gọi đây là "thành tựu quan trọng nhất" trong đời ông.
Đảo Galápagos trước kia rất nổi tiếng vì sự tồn tại của rùa khổng lồ. Ngay cả từ "Galápagos" cũng bắt nguồn là một từ tiếng Tây Ban Nha cổ có nghĩa là "rùa". Tuy nhiên, thực ra thì trên đảo vốn có tới 15 loài rùa khổng lồ khác nhau.
Trong thực tế tùy theo địa điểm sinh sống mà các loài rùa này sẽ có hình dáng khác nhau. Những loài sống trên các vùng đất cao và ẩm sẽ có một bộ mai cứng, cong vòm, cổ ngắn và chủ yếu ăn thực vật mọc thấp dưới đất. Còn các loài sống tại vùng khô, bằng phẳng thì có mai phẳng hơn, cổ dài hơn để ăn thực vật mọc trên cao.
Có thể nhiều người chưa biết, đảo Galápagos trước kia cũng là một nguồn tư liệu quý giá để Charles Darwin viết ra cuốn sách về chọn lọc tự nhiên. Đơn giản là vì hòn đảo này có một hệ sinh thái hết sức đặc biệt, với nhiều loài vật chỉ tồn tại được ở đây thôi.
Từ thế kỷ 19, số lượng rùa khổng lồ trên quần đảo Galápagos đã giảm đáng kể do hoạt động khai thác săn bắt quá mức. Hiện nay, quần thể rùa khổng lồ thuộc nhiều loài khác nhau ở Galápagos chỉ còn khoảng 200.000 đến 300.000 cá thể - bằng khoảng 10% đến 15% so với số lượng trước đó.
Các nhà khoa học đang tính đến phương án làm cách nào để bảo tồn được loài rùa này.
Trúc Chi (t/h)