Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể

Thứ 7, 21/09/2024 07:30

Loài động vật hữu nhũ này là loài tê giác duy nhất ở châu Á có 2 sừng và có thể cao đến 1,5m, nặng từ 500-960 kg.

Vào tháng 9/2023, một con tê giác Sumatra cực quý hiếm và sắp bị tuyệt chủng đã được chào đời trong môi trường nuôi nhốt ở đảo Sumatra, Indonesia.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể- Ảnh 1.

"Cô bé" tê giác con nặng khoảng 27 kg, được sinh tại Khu bảo tồn tê giác Sumatra ở Công viên Quốc gia Way Kambas (tỉnh Lampung).

Được bao phủ bởi lớp lông đen, tê giác con đã đứng lên được khoảng 45 phút sau khi sinh. Vào ngày hôm sau, "cô bé" bắt đầu đi loanh quanh trong rừng, theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể- Ảnh 2.

Tê giác mẹ tên Ratu được 22 năm tuổi và đang trong tình trạng khỏe mạnh. Ratu là "cư dân bản địa" tại Lampung, trong khi tê giác đực phối giống tên Andalas 23 tuổi, chào đời tại vườn thú Cincinnati (Mỹ) nhưng sau đó được chuyển đến công viên quốc gia ở Indonesia.

Cặp đôi này trước đó đã sinh 2 tê giác con là Delilah vào năm 2016 và Andatu vào năm 2021. "Đây là tin vui không chỉ đối với Indonesia mà cho cả thế giới", theo Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya.

Tin vui tiếp tục đến vào tháng 11 cùng năm khi tê giác Delilah đón chào đứa con đầu lòng là một con tê giác non nặng 25kg. Con tê giác non này cũng được chào đời tại khu bảo tồn tê giác Sumatra, thuộc Công viên Quốc gia Way Kambas (tỉnh Lampung).

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể- Ảnh 3.

Con tê giác non vừa chào đời là con của tê giác cái Delilah và con tê giác đực có tên Harapan, sinh ra tại Vườn thú Cincinnati (Mỹ) vào năm 2006. Harapan là tê giác Sumatra cuối cùng trên thế giới được hồi hương trở về Indonesia, nghĩa là toàn bộ quần thể tê giác Sumatra hiện nay đều sống tại Indonesia.

Nhân viên tại Khu bảo tồn Way Kambas cho biết Delilah đã sinh con sớm hơn 10 ngày so với dự kiến. Tuy nhiên, 2 mẹ con tê giác hoàn toàn khỏe mạnh.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới còn chưa đến 50 cá thể- Ảnh 4.

Tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) là loài tê giác nhỏ nhất còn tồn tại và là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng. Chúng có thể cao đến 1,5m, nặng từ 500-960 kg. Loài tê giác này sống trong rừng rậm nhiệt đới và các vùng đất thấp, chủ yếu trên đảo Sumatra của Indonesia. Đây là loài ăn thực vật, với chế độ ăn rất đa dạng, bao gồm 100 loài thực vật khác nhau.

Tê giác Sumatra có 2 sừng, với sừng phía trước lớn và dài hơn (từ 25 đến 79cm), trong khi chiếc sừng thứ 2 nhỏ hơn, dài chỉ khoảng 10cm.

Theo các nhà khoa học, tuổi thọ trung bình của tê giác Sumatra là từ 35 đến 40 năm. Tê giác Sumatra cái mang thai kéo dài từ 15 đến 16 tháng và sẽ sinh, chăm sóc con non trong 3 năm, sau đó mới bắt đầu thời kỳ mang thai trở lại.

Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng tê giác Sumatra suy giảm. Ban đầu là do nạn săn trộm để lấy sừng, thứ được coi như "thần dược" ở trong y học cổ truyền châu Á. Sau đó, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của con người làm cho môi trường sống của tê giác Sumatra bị thu hẹp và chia cắt khiến chúng không thể sinh sản trong tự nhiên.

Tê giác Sumatra hiện được luật pháp Indonesia bảo vệ nghiêm ngặt và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào danh sách các loài động vật cực kỳ nguy cấp, có khả năng bị tuyệt chủng. Hiện có chưa đến 50 cá thể tê giác Sumatra, trong đó chỉ có khoảng 30 cá thể trưởng thành.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.