Nhiều loài sinh vật quý hiếm tưởng chừng như tuyệt chủng đã được tìm thấy sau nhiều thập kỷ. Nổi bật là loài ong khổng lồ nhất thế giới đã tái xuất sau gần 4 thập kỷ biến mất.
Cụ thể, con ong to bằng ngón tay cái của người trưởng thành được phát hiện trên một hòn đảo nhỏ tại Indonesia.
Loài vật quý hiếm được tìm thấy này có tên "Ong khổng lồ Wallace", đặt theo tên nhà tự nhiên học và thám hiểm người Anh Alfred Russel Wallace, người mô tả nó lần đầu năm 1858, theo BBC.
Các nhà khoa học tìm thấy một số mẫu vật của loài này năm 1981, nhưng từ đó tới nay không có phát hiện thêm.
Ong khổng lồ Wallace được tìm thấy vào năm 2019 sau gần 40 năm mất tích bởi một nhóm nghiên cứu tiếp bước Wallace trong hành trình xuyên Indonesia để tìm kiếm loài ong trong truyền thuyết này.
"Chúng tôi như ngừng thở khi nhìn thấy 'cỗ máy bay khổng lồ' của loài côn trùng mà cứ ngỡ đã tuyệt chủng. Chúng tôi đã phát hiện bằng chứng thực ngay trước mắt, trong thế giới tự nhiên", Clay Bolt, nhiếp ảnh gia về lịch sử tự nhiên, người chụp những tấm ảnh đầu tiên và quay video về ong Wallace, nói.
"Tôi rất vui mừng khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp và kích thước to lớn của loài này trong tự nhiên, nghe thấy âm thanh vù vù từ đôi cánh khổng lồ của nó khi lướt qua đầu tôi. Thật không thể tin nổi", ông bày tỏ.
Loài ong khổng lồ này được phát hiện tại quần đảo Bắc Moluccas, làm dấy lên hy vọng rằng rừng rậm trong khu vực này vẫn là nơi ẩn náu an toàn cho một trong những loài côn trùng hiếm và bị săn lùng nhiều nhất thế giới. Hiện thế giới chưa có luật bảo vệ loài ong Wallace khỏi nạn săn bắt và buôn bán, theo VTC News.
Bề ngoài loài ong quý hiếm Wallace có chiều dài đến 4cm, sải cánh dài tới 6cm, là loài ong lớn nhất thế giới. Con cái làm tổ trong gò mối, sử dụng bộ hàm lớn của nó để thu thập nhựa cây dính tổ, bảo vệ khỏi mối xâm nhập. Người cùng phát triển thuyết tiến hóa với Charles Darwin đã mô tả "đây là loài côn trùng lớn màu đen, có bộ hàm to như bọ cánh cứng".
Trong nỗ lực bảo tồn nhiều loài sinh vật quý hiếm, các nhà khoa học đang cố gắng hướng đến việc tìm lại các loài động vật, thực vật tưởng chừng như đã "tuyệt chủng". Ông Robin Moore, người thuộc Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, nói: "Việc tìm thấy và tái bảo tồn cho loài ong này sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho loài sinh vật này".
Trúc Chi (t/h)