Nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức vừa trình làng một hệ thống tiên tiến có khả năng triển khai nhanh như chớp một “bầy đàn” máy bay không người lái (UAV/drone) tấn công thẳng vào trung tâm của trận địa.
Trọng tâm của sự đổi mới này là một container vận tải biển với thiết kế module có khả năng chứa tới 126 drone cảm tử, còn gọi là kamikaze, sẵn sàng hành động ngay lập tức.
Loại vũ khí đáng sợ này được trang The War Zone đưa tin lần đầu tiên hôm 17/6. Theo trang tin quân sự nổi tiếng này, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đạn dược dẫn đường chính xác trong chiến tranh hiện đại, Rheinmetall của Đức đã hợp tác với công ty vũ khí UVision của Israel để tạo ra một bệ phóng di động có hình dáng và kích thước “chuẩn đét” của một container vận tải biển tiêu chuẩn 20 feet. Ngoài ra cũng có các kích cỡ khác, tương đương container 10 feet và 40 feet.
Bệ phóng dạng container có 3 ổ phóng, mỗi ổ chứa 42 drone, tức tổng cộng 126 drone cảm tử kamikaze sẵn sàng được phóng ra. Cấu hình như vậy mang lại sự linh hoạt đáng kể và có thể được triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau, cả trên bộ và trên biển.
Ví dụ, bất kỳ xe tải nào có khả năng chở container vận tải biển tiêu chuẩn ISO, chẳng hạn như xe tải M1074 PLS của Quân đội Mỹ, đều thích hợp để lắp đặt hệ thống phóng drone dạng container của Rheinmetall.
Những chiếc UAV được thiết kế riêng cho bệ phóng dạng container thuộc gia đình drone lảng vảng Hero. Dòng máy bay không người lái kamikaze Hero bao gồm một số mẫu như Hero-30, Hero-120 và Hero-400, mỗi mẫu được thiết kế cho các nhu cầu hoạt động cụ thể.
Drone được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả loại có sức nổ mạnh và loại phân mảnh, cho phép chúng tấn công nhiều mục tiêu. Đặc biệt, drone Hero-120 có thể di chuyển quãng đường 37 dặm (60 km), bay trên không tới 1 giờ và mang theo đầu đạn nặng 10 pound (4,5 kg), khiến nó trở thành vũ khí hiệu quả chống lại các phương tiện bọc thép và các mục tiêu có giá trị cao khác.
Những chiếc drone có thể bay lượn trên các khu vực mục tiêu, thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực và thực hiện các cuộc tấn công chính xác khi cần thiết. Chúng có cảm biến quang điện và hồng ngoại tiên tiến để chụp ảnh có độ phân giải cao và nhắm mục tiêu chính xác.
Ngoài ra, người điều khiển drone cũng có thể hủy bỏ nhiệm vụ giữa chuyến bay và phân công lại mục tiêu, giảm thiệt hại ngoài dự kiến và tăng cường tính linh hoạt về mặt chiến thuật.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã tích hợp drone Hero-120 vào chương trình Tàu mặt nước không người lái tầm xa (LRUSV) của họ. Có nhiều phương pháp khác nhau để triển khai máy bay không người lái Hero, bao gồm bệ phóng ống đơn cầm tay cho con người sử dụng và bệ phóng đa nòng gắn trên xe bọc thép và tàu thủy.
Theo trang Bulgarian Military, các chuyên gia nhấn mạnh tiềm năng đáng kể của việc sử dụng các bệ phóng dạng container trong hải chiến. Drone được triển khai từ tàu có thể nhắm mục tiêu vào các hệ thống quan trọng trên các phương tiện mặt nước của đối phương, vô hiệu hóa chúng mà không khiến chúng bị chìm.
Đáng chú ý, công ty Đức không phải là đơn vị duy nhất tạo ra các hệ thống phóng UAV/drone. Các công ty Trung Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự nhưng ở quy mô khiêm tốn hơn. Ví dụ, một nguyên mẫu của Trung Quốc được thử nghiệm trên bệ phóng gắn trên xe tải có thể mang tới 48 máy bay không người lái kamikaze.
Sự phát triển của các công nghệ như trên, tung ra một “bầy đàn” máy bay không người lái tấn công đông đúc, đặt ra thách thức đáng kể cho các hệ thống phòng không, buộc quân đội phải đổi mới chiến thuật và tìm kiếm biện pháp đối phó mới.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Newsweek)