Ở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lê Dũng và đồng phạm đang diễn ra tại TP.HCM, nhóm bị cáo bị khởi tố các tội danh như “Buôn lậu”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”; “Đưa hối lộ”; “Làm môi giới hối lộ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”... đang trong quá trình tranh luận.
Đề nghị 3 mức án chung thân
Trước đó, người nắm quyền công tố, công tố viên đại điện Viện kiểm sát nhân dân (Viện KSND) TP.HCM đã đưa ra quan điểm luận tội cho rằng bị cáo chủ mưu là Lê Dũng - nguyên giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Infoodco) đã lợi dụng chức vụ của mình và cấu kết với Trần Thị Bích Tuyền - giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài. Cùng với đó là Hứa Châu - giám đốc Công ty TNHH TM một thành viên Lâm Kim Ngọc và hàng chục cán bộ công chức hải quan ký khống 92 tờ khai hải quan để lấy tiền hoàn thuế GTGT (VAT).
Theo đó, công tố viên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt Lê Dũng án tù cho các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Buôn lậu", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ngoài ra Lê Dũng phải nộp lại 766 triệu đồng tiền chiếm hưởng.
Bị cáo Trần Thị Bích Tuyền và Hứa Châu cũng bị cáo buộc phạm tội cùng nhóm tội với Lê Dũng và đề nghị hình phạt tù chung thân, đồng thời phải nộp 66 tỉ đồng.
Ngoài 3 án chung thân trên, 28 bị cáo là công chức hải quan An Giang bị đề nghị 2 đến 15 năm tù về các tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”…
Bị ép cung, nộp tiền khắc phục hậu quả?
Tại phiên tranh luận, các bị cáo đều đồng loạt phản cung và yêu cầu HĐXX xem xét lại tình tiết và các lời khai tại tòa. Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo cũng đưa ra nhiều lý lẽ dẫn chứng để chứng minh thân chủ của họ vô tội, bị hàm oan.
Theo đó, bào chữa cho bị cáo Trương Quang Tín (công chức hải quan) bị truy tố “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, luật sư Trần Văn Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, bị cáo Tín đã thực hiện đúng quy định, quy trình thủ tục hải quan trong khi thi hành công vụ.
Thực tế, vụ án được phát hiện bởi ngành hải quan. Phía Cơ quan điều tra chống buôn lậu hải quan đã tiến hành điều tra, phát hiện khởi tố vụ án và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM thụ lý theo thẩm quyền.
Bị cáo Tín kí 20 tờ khai hải quan đối với hàng thuốc lá trong đó có 18 tờ khai luồng xanh và 02 tờ khai luồng đỏ gồm tờ khai 624 ngày 13/2/2013 và 2191 ngày 11/6/2013. Luồng xanh, luồng đỏ đều có ghi nhận trong từng tờ khai hải quan do lãnh đạo Chi cục hải quan phê duyệt trên cơ sở hệ thống máy tính tự động của ngành phân luồng sẵn.
Luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) và luồng đỏ (kiểm tra toàn bộ hoặc kiểm tra xác suất không quá 5% tổng số lượng hàng kê trong tờ khai hải quan) được nêu chi tiết những trường hợp, điều kiện áp dụng tại Nghị định 154 ngày 15/12/2005 (Điều 11) và Quyết định 1171 ngày 15/6/2009 về quy trình thủ tục hải quan. Trong đó luật quy định rõ ràng về việc hàng hóa được xác định là luồng xanh thì hạn chế kiểm tra (áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan).
Luật sư Việt nêu lập luận rằng, việc Cơ quan CSĐT cho rằng “không thấy được hàng hiểu là ký khống” đó là cách suy luận không khách quan. Trong khi các bị cáo là công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình (thuộc Cục Hải quan An Giang) tại tòa đều nhất mực khai rằng có phương tiện, có hàng thuốc lá qua cửa khẩu.
Ngoài ra, bị cáo Trương Quang Tín khai trước đó rằng, lời buộc tội của cơ quan điều tra là chỉ dựa vào lời khai từ các bị cáo khác và hoàn toàn phủ nhận bản cáo chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra. Thực tế diễn tiến tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tín cũng phủ nhận tất cả bản khai trước đó và cho rằng bị cáo bị ép cung, mớm cung.
Bào chữa cho bị cáo Lê Khương Toàn (công chức hải quản An Giang) bị truy tố khi đã ký xác nhận 81 tờ khai ghi khống hàng thuốc lá điếu, trị giá trên 332 tỉ đồng, số tiền hưởng lợi trên 20 triệu đồng, luật sư Lâm Quang Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng có quan điểm tương đồng với đồng nghiệp.
Theo đó, ông Quý cho rằng, bị cáo Khương Toàn vô tội. Cơ quan CSĐT, Viện KSND TP.HCM, đã căn cứ vào các lời khai nhận tội của các bị cáo khác tại cơ quan điều tra. Những lời khai nhận tội này không đúng với sự thật và việc các bị cáo khai nhận, là do bị ép, bị bức cung, thậm chí là bị điều tra viên dùng nhục hình, như lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Mẫn…tại phiên tòa. Hầu hết các bị cáo đều tố cáo hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng này đến HĐXX.
Trong phần lập luận truy tố, Viện KSND TP.HCM cho rằng, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã được điều tra viên giải thích đầy đủ, quyền, nghĩa vụ, các bị cáo đã được đọc lại biên bản làm việc và tự tay các bị cáo ghi rõ dòng chữ “…đã đọc lại biên bản và xác nhận lời khai là đúng, không bị ép cung…”, nên các bị cáo khai bị ép cung là không có căn cứ.
Tuy nhiên, luật sư Quý lập luật rằng, hàng loạt bị cáo đã phản cung trước tòa về việc trong các bút lục lời khai, các bị cáo đều phải ghi thêm dòng chữ “biên bản xác nhận lời khai của tôi là đúng” có trường hợp còn ghi thêm “tôi không bị ép cung”.
Các vị luật sự cũng yêu cầu mời điều tra viên tới đối chất tại phiên tòa nhưng không được đồng ý. Vậy nếu lời khai tại Cơ quan CSĐT là một, tại tòa các bị cáo được thực hiện quyền lợi của mình lại khai khác thì cần HĐXX xem xét lại các tình tiết.
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đưa, ngày 12/10, Toà án nhân (TAND) TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Lê Dũng cùng hàng chục cán bộ đang đương nhiệm, nguyên là lãnh đạo, cán bộ hải quan tỉnh An Giang và TP.HCM. Đây là "đại án" có số quan chức ngành hải quan hầu tòa với con số kỷ lục nhiều nhất từ trước đến nay. Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Tuyền đã nảy sinh ý định chiếm đoạt nên tìm tới Lâm Tuấn Phát (Giám đốc công ty CP Cảnh Phong) bàn bạc tiếp cận với Lê Dũng đặt vấn đề làm ăn với bị cáo này. Sau khi bắt tay làm ăn với Tuyền, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng đã đại diện công ty ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là 1.375 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng là hơn 134,5 tỉ đồng. Dũng cùng là người có trách nhiệm làm hồ sơ xin Cục thuế TP.HCM hoàn thuế VAT. Ngoài ra việc hoàn thuế VAT theo quy định chung phải thanh toán tiền qua ngân hàng. Từ đó, các đối tượng trên đã lập hồ sơ xin hoàn thuế 80,3 tỉ đồng sau đó bỏ túi riêng. Để làm được việc này, Dũng và Tuyền còn móc nối với cán bộ, công chức hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang để có thể hợp thức hóa các thủ tục. Tuyền đã đưa cho Lâm Thị Thủy (đã bỏ trốn) 4 tỷ đồng để Thủy chuyển số tiền trên cho Nguyễn Văn Biên (nguyên Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cửa khẩu Khánh Bình) và thuộc cấp. Ông Biên đã nhận 244,1 triệu đồng, Thái Thanh Nguồn và Nguyễn Phi Công (Nguyên Phó chi cục trưởng) nhận 116 triệu đồng. Từ việc dùng tiền “bôi trơn” các cán bộ hải quan, 92 tờ khai hóa đơn xuất khẩu mặt hàng thuốc lá dễ dàng qua cửa hải quan mà không bị kiểm tra. Vào tháng 9/2013, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan kiểm tra 2 container của công ty CP TPCN Sài Gòn với nội dung ghi trong tờ khai xuất khẩu mặt hàng thuốc lá điếu hiệu Craven A, trọng lượng 3.000 thùng, trị giá hơn 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế xác định, hàng chứa trong 2 container trên là 20.000 kg gạo trắng, trị giá chỉ 190 triệu đồng. Trong lúc cơ quan chức năng đang kiểm tra thì Hứa Châu (nguyên Giám đốc công ty TNHH TM MTV Lâm Kim Ngọc) cung cấp hơn 2.000 thùng thuốc lá, đóng vào 2 container nhằm vận chuyển đến Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) để đánh tráo 2 container đang bị kiểm tra nhưng bị lực lượng chức năng phát hiện. Qua mở rộng điều tra, hàng loạt đồng phạm và cán bộ, nhân viên hải quan được xác định có liên quan tới vụ án trên. |
Phùng Sơn