Áp dụng phương pháp thông quan rủi ro, doanh nghiệp lợi dụng sơ hở
Trong công văn số 880/HQAN-TCCB của Cục Hải quan tỉnh An Giang gửi Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (Viện KSND) TP.HCM, kiến nghị xem xét lại trách nhiệm hình sự nhóm cán bộ công chức hải quan trong vụ án “Lê Dũng và đồng phạm”, đã đưa ra nhiều căn cứ cho thấy vụ án có nhiều sai sót tố tụng, có dấu hiệu gây oan sai.
Theo Cục Hải quan An Giang, trong 28 cán bộ hải quan tỉnh An Giang bị cáo buộc “dính chàm” thì có rất nhiều cán bộ không trực tiếp nằm trong đường dây “biển thủ” tiền nhà nước. Họ cũng không biết tới việc ăn chia giữa đường dây của Lê Dũng, giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (Infooodco) cũng như sự móc nối của doanh nghiệp với các lãnh đạo đương nhiệm cửa khẩu hải quan Khánh Bình lúc bấy giờ nhưng vẫn bị liên lụy.
Trong văn bản, phía Hải quan An Giang nhấn mạnh về các quy định, quy trình thủ tục của ngành hải quan trong hoạt động xuất khẩu, nhậu khẩu (XNK) của công chức hải quan liên quan tới vụ việc.
An Giang là tỉnh có cửa khẩu hải quan lớn, lượng hàng hóa XNK qua lại cửa khẩu ngày càng tăng nên ngành hải quan phải áp dụng phương thức quản lý rủi ro (trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chỉ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm luật hải quan) trong kiểm tra hải quan đối với hàng hóa XNK.
Theo khoản 1a, Điều 15, Luật hải quan sửa đổi 2005 “kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động XNK”.
Trong quá trình làm thủ tục XNK cho Infoodco, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã thực hiện đúng quy trình, quy định của ngành.
Infoodco được máy tính đánh giá phân tích rủi ro thuộc diện doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật (thời điểm trên) nên đa số các tờ khai đều nằm ở luồng xanh (luồng thông quan không kiểm tra, miễn nhiễm hồ sơ), luồng vàng xem xét cho thông quan và tiến hành nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan hoặc kiểm tra hồ sơ xét hoàn thuế.
Bên cạnh việc được xét ưu tiên, việc bị khống chế tỷ lệ kiểm tra tối đa không quá 5% tổng số tờ khai hải quan theo quy định nên không thể di chuyển luồn đỏ toàn bộ tờ khai của Infoodco. Trong trường hợp có căn cứ chắc chắn doanh nghiệp vi phạm hoặc có thông tin cảnh báo về doanh nghiệp mới tiến hành xử lý.
Áp dụng điểm d, khoản 2, Điều 9, quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 4/7/2008 quy định về áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong hoạt động nghiệp vụ hải quan: “Khi đã thực hiện đúng các quy định tại quyết định này và quy trình, quy định của Tổng Cục hải quan nhưng không phát hiện được vi phạm pháp luật thì công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa XNK, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh (XNC), quá cảnh theo quy trình quản lý rủi ro được miễn trừ trách nhiệm cá nhân”.
Từ những nhận định trên, phía cục hải quan An Giang cho rằng việc thực hiện áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quy định XNK đã tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp gian lận khai khống tờ khai hải quan.
Ngoài ra, việc áp dụng công tác kiểm tra hải quan theo phương thức QLRR là nghiệp vụ hoàn toàn mới. Một số cán bộ hải quan chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chống gian lận về thuế khi áp dụng phương thức này như các bị cáo Trương Quang Tín, Lê Trần Huệ Phương… nên đã để xảy ra sai sót gây ảnh hưởng tới lợi ích.
92 tờ khải hải quan được lập, làm theo chức trách
Cục hải quan An Giang nhận định được những sai sót trong quản lý cán bộ và quy trình XNK khiến cho kẻ xấu lợi dụng. Trong đó, cáo trạng chỉ rõ, người phải chịu trách nhiệm và gây ra những thất thoát, làm xấu đi uy tín của ngành là Chi cục trưởng chi Cục hải quan cửa khẩu Khánh Bình ông Nguyễn Văn Biên. Ông Biên đang bị truy tố trong vụ án.
Theo cáo trạng, ông Biên khi còn tại vị, chính là người chỉ đạo cho 2 Phó Chi cục trưởng là Thái Thanh Nguồn và Nguyễn Phi Công cùng Nguyễn Thanh Lâm - Đội trưởng Nghiệp vụ thực hiện.
Ông Biên đã móc nối với doanh nghiệp, để giúp hàng hóa thông quan tiện lợi, các nhân viên cấp dưới không mảy may suy nghĩ vì luồng thông quan xanh, nên vẫn làm thủ tục XNC một cách dễ dàng. Từ đó, hàng hóa không bị mắc lại khâu thủ tục hải quan.
Trong khi đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên đã được hình thành tinh vi, mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh gọn dưới bàn tay của những kẻ tham tiền.
Hàng chục cán bộ hải quan “dính chàm” họ đều không biết về tỷ lệ ăn chia, cũng không phải là những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp nhận tiền. Trong hàng loạt các cán bộ ký tờ khai hải quan, có những người mới vào nghề, không có đủ kinh nghiệm để biết doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh, luồng vàng để trục lợi. Họ đã vướng vào vòng lao lý bởi sự ranh mãnh của doanh nghiệp và vô tình tiếp tay sai phạm của lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình lúc bấy giờ.
Như báo điện tử Người đưa tin đã đưa, ngày 12/10, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Lê Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, (Infoodco), Trần Thị Bích Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Đại Đắc Tài; Hứa Châu - Giám đốc Công ty TNHH TM một thành viên Lâm Kim Ngọc (Công ty Lâm Kim Ngọc) cùng nhiều bị cáo khác, trong đó có hớn 30 người là công chức hải quan tỉnh An Giang và TP.HCM. Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Tuyền đã nảy sinh ý định chiếm đoạt nên tìm tới Lâm Tuấn Phát (Giám đốc công ty CP Cảnh Phong) bàn bạc tiếp cận với Lê Dũng đặt vấn đề làm ăn với bị cáo này. Sau khi bắt tay làm ăn với Tuyền, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng đã đại diện công ty ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá Caraven “A” và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là 1.375 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là hơn 134,5 tỷ đồng. Dũng cũng là người có trách nhiệm làm hồ sơ xin Cục thuế TP.HCM hoàn thuế GTGT. Ngoài ra việc hoàn thuế GTGT theo quy định chung phải thanh toán tiền qua Ngân hàng. Từ đó, các đối tượng trên đã lập hồ sơ xin hoàn thuế 80,3 tỷ đồng sau đó bỏ túi riêng. Để làm được việc này, Dũng và Tuyền còn móc nối với cán bộ, công chức hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang để có thể hợp thức hóa các thủ tục. Tuyền đã đưa cho Lâm Thị Thủy (đã bỏ trốn) 4 tỷ đồng để Thủy chuyển số tiền trên cho Nguyễn Văn Biên (nguyên Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cửa khẩu Khánh Bình) và thuộc cấp. Ông Biên đã nhận 244,1 triệu đồng, Thái Thanh Nguồn và Nguyễn Phi Công (Nguyên Phó chi cục trưởng) nhận 116 triệu đồng. Từ việc dùng tiền “bôi trơn” các cán bộ hải quan, 92 tờ khai hóa đơn xuất khẩu mặt hàng thuốc lá dễ dàng qua cửa hải quan mà không bị kiểm tra. Vào tháng 9/2013, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, kiểm tra 2 container của Infoodco với nội dung ghi trong tờ khai xuất khẩu mặt hàng thuốc lá điếu hiệu Craven “A”, trọng lượng 3.000 thùng, trị giá hơn 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế xác định, hàng chứa trong 2 container trên là 20.000 kg gạo trắng, trị giá chỉ 190 triệu đồng. Trong lúc cơ quan chức năng đang kiểm tra thì Hứa Châu (nguyên Giám đốc công ty TNHH TM MTV Lâm Kim Ngọc) cung cấp hơn 2.000 thùng thuốc lá, đóng vào 2 container nhằm vận chuyển đến Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 để đánh tráo 2 container đang bị kiểm tra nhưng bị lực lượng chức năng phát hiện. Qua mở rộng điều tra, hàng loạt đồng phạm và cán bộ, nhân viên hải quan được xác định có liên quan tới vụ án trên. |
PVMN.