Quy định mới về quản lý seri tiền mới in
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN ngày 29/3/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in.
Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.
Thông tư nêu rõ nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.
Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền:
Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế.
Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền; cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.
Thông tư cũng quy định quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền như sau:
Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.
Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất.
Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.
Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định.
Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.
Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/5/2024.
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mới
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.
Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.
Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương
Ngày 5/1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp (CCN) được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ.
Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nghị định quy định Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các CCN đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống...
Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.
UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn.
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024.
Quy định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia
Bộ Tài chính ngày 22/3/2024 ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BTC quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo thông tư này, định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín như sau: thời gian bảo quản dưới 12 tháng là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 đến 18 tháng 0,058%; thời gian bảo quản trên 18 tháng 0,066%.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/5/2024.
Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024
Ngày 4/4/2024, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Thông tư này quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và năm 2024.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Vietnam+, báo Giao Thông)