Loạt đại gia địa ốc "cậy nhờ" dòng tiền TPS - TPBank

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 4, 26/04/2023 08:30

Phúc Khang, R&H và hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn là những đối tác quan trọng bậc nhất của "hệ sinh thái" TPS - TPBank.

R&H Group

Như Người Đưa Tin đã đưa tin trong kỳ trước, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UpCOM: VHD) đã thông qua thực hiện 2 thương vụ M&A, đồng thời vay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HSX: TPB) với tổng số tiền là 1.550 tỷ đồng.

Xem thêm >>> Dòng tiền TPBank - Vinahud - R&H Group

Trước đó, cuối năm 2021, đầu năm 2022, TPBank và công ty chứng khoán cùng nhóm TPS (HSX: ORS) là bên thu xếp phát hành tới 8.150 tỷ đồng trái phiếu cho CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group) - pháp nhân có nhiều liên hệ tới Vinahud.

Hai thương vụ M&A "nội bộ" của Vinahud và R&H Group diễn ra trong bối cảnh 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn từ ngày 14/4-3/5/2023.

Cùng ngày diễn ra ĐHĐCĐ 2023 của Vinahud, và chỉ hai ngày trước ngày đáo hạn lô trái phiếu RHGCH2123002 (mệnh giá 1.000 tỷ đồng), Vinahud ngày 12/4/2023 đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng phần vốn còn lại trong Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends, tất nhiên đi kèm với đó là dòng vốn tín dụng được giải ngân từ TPBank, theo điều khoản, lên tới 790 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Loạt đại gia địa ốc 'cậy nhờ' dòng tiền TPS - TPBank

Tình hình lô trái phiếu RHGCH2123002 (Nguồn: TPS).

Thương vụ gấp gáp mang nhiều màu sắc "đảo nợ" cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa nhóm R&H Group và TPS - TPBank của doanh nhân Đỗ Minh Phú. Tại ngày 31/12/2022, TPS trực tiếp sở hữu 263 tỷ đồng trái phiếu R&H, và có khoản phải thu dịch vụ 290 tỷ đồng với tập đoàn này; ngoài ra còn khoản doanh thu chưa thực hiện 174 tỷ đồng với R&H Group, lớn nhất trong số các khách hàng của TPS.

Ở một chi tiết đáng chú ý không kém, TPBank trung tuần tháng 10 năm ngoái đã nhận thế chấp 4.000m2 tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thuộc sở hữu của Công ty Bất động sản AIC (thành viên R&H Group), dù cho chỉ ít tuần trước, Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) ngày 21/9/2022 đã ra Lệnh kê biên lô đất nói trên trong đại án AIC.

Phúc Khang Corp

Đầu năm 2021, giới đầu tư ồn ào trước thông tin TPS chi 650 tỷ đồng mua khu đất 42-44 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, Tp.HCM. Khu đất có diện tích 1.107,9m2 thuộc sở hữu của CTCP Sài Gòn Thủ Thiêm - thành viên CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corp).

Mục đích mua lô đất được TPS giải thích là để làm trụ sở công ty. Dù vậy, không lâu sau đó, hai bên vào đầu tháng 5/2021 đã ký biên bản thanh lý hợp đồng đặt cọc mua bất động sản 42-44 Mạc Đĩnh Chi.

Bên cạnh khoản gốc phải trả 500 tỷ đồng, Sài Gòn Thủ Thiêm bồi thường cho TPS một khoản là gần 7 tỷ đồng, tương đương 1,4% sau gần nửa năm.

Đây cũng là giai đoạn ghi nhận nhiều thương vụ hợp tác giữa hai nhóm doanh nghiệp này. TPS - TPBank, nên biết, là bên trực tiếp thu xếp cho nhóm Phúc Khang phát hành tổng cộng 1.400 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2020 -2021, thông qua 3 pháp nhân là Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn (700 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (500 tỷ đồng) và CTCP Bất động sản Ngôi nhà Hạnh Phúc (200 tỷ đồng).

Tài chính - Ngân hàng - Loạt đại gia địa ốc 'cậy nhờ' dòng tiền TPS - TPBank (Hình 2).

TPS - TPBank là bên trực tiếp thu xếp cho nhóm Phúc Khang phát hành tổng cộng 1.400 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2020 -2021.

Tới cuối năm 2021, CTCP Quản lý Quỹ Việt Cát - pháp nhân cùng nhóm TPS nắm giữ 72,7 tỷ đồng trái phiếu Phúc Khang Đông Sài Gòn.

Ở một thương vụ ít người biết, HĐQT TPS ngày 30/12/2020 có Quyết định mua 790.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/CP), tương đương 10% vốn CTCP Phát triển Bất động sản C30 Tân Bình.

Trong cùng ngày cuối năm 2020, TPS đã ghi nhận khoản đầu tư vào C30 Tân Bình với giá trị 140 tỷ đồng, tương đương định giá doanh nghiệp này ở mức 1.400 tỷ đồng. C30 Tân Bình là chủ đầu tư dự án Khu C30, rộng 8,45ha, tại phường 6, quận Tân Bình, Tp. HCM. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2015 bởi nhóm Đức Khải Corp, tuy nhiên chỉ một năm sau đó đã được bán lại cho nhóm Phúc Khang.

Tập đoàn bất động sản hàng đầu cả nước

Ngoài Phúc Khang Corp, một nhà phát triển bất động sản hàng đầu cả nước với lời giới thiệu trong giai đoạn 2016-2020 là nhà phát triển bất động sản nhà ở đứng thứ hai tại Việt Nam với 4% thị phần cũng được TPBank - TPS thu xếp vốn, đặc biệt trong vài năm trở lại đây.

Theo dữ liệu của Người Đưa Tin, các chi nhánh TPBank đã và đang nhận thế chấp nhiều dự án lớn của của tập đoàn này. Gần đây nhất, CTCP Đầu tư và Dịch vụ H.B.C ngày 7/3/2023 đã thế chấp toàn bộ quyền phát sinh từ dự án Khu công nghiệp Nhơn Hội (Khu C) diện tích 228ha tại TPBank chi nhánh TP.HCM; CTCP Dịch vụ Giải trí HTQN ngày 3/3/2023 thế chấp dự án Khu Mũi Tấn diện tích 73ha tại phường Hải Cảng, Quy Nhơn, Bình Định cũng tại TPBank TP.HCM.

Về phần mình, TPS trong năm 2021 đã thu xếp phát hành 4 lô trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp bất động sản này với tổng giá trị 7.100 tỷ đồng, trong đó có 3 lô của HTQN, gồm 2.500 tỷ kỳ hạn 3 năm phát hành ngày 12/5/2021, 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm ngày 9/6/2021, 1.600 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm ngày 26/5/2021 và của HTL 1.500 tỷ kỳ hạn 3 năm phát hành ngày 7/7/2021.

Ở diễn biến liên quan, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nhiều lô trái phiếu của các thành viên doanh nghiệp bất động sản này đã rơi vào tình trạng chậm trả gốc, lãi, với số tiền chậm trả lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Trong một thương vụ đáng chú ý, nhóm TPBank là bên tài trợ để tập đoàn bất động sản này mua lại dự án Khu đô thị Nhơn Phước từ nhóm Suối Tiên Group.

Dự án Khu đô thị Nhơn Phước có quy mô 204ha tại Cù Lao Ông Cồn, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự án trước đây từng có chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nhật Quang. Năm 2018, nhóm Suối Tiên Group đã mua lại Nhật Quang, sau đó sáp nhập vào CTCP Phát triển Địa ốc Sông Tiên - pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Đinh Thị Kim Dung - Phó TGĐ CTCP Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Suối Tiên Group).

Sau khi trở thành chủ đầu tư mới của dự án, Địa ốc Suối Tiên vào năm 2020, với sự thu xếp của TPS - TPBank đã phát hành 1.160 tỷ đồng trái phiếu qua 5 đợt. Trong đó trực tiếp TPBank mua lô 250 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm phát hành ngày 12/3/2020.

Tuy nhiên, nhóm Suối Tiên không hiện diện tại dự án Nhơn Phước quá lâu, khi đã chuyển nhượng lại cổ phần Địa ốc Sông Tiên cho nhóm tập đoàn bất động sản này vào cuối năm 2021.

Ít tháng trước khi đổi chủ, Địa ốc Sông Tiên liên tục tăng vốn, từ 1.329 tỷ đồng lên 1.551 tỷ đồng ngày 5/5, lên 2.379 tỷ đồng ngày 13/7 và cuối cùng là 5.379 tỷ đồng ngày 24/9/2021.

Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, thương vụ được hoàn tất vào trung tuần tháng 10/2021, và mang về một khoản lợi nhuận lớn cho nhóm Suối Tiên. Chỉ trong vài ngày cuối năm 2021, bà Đinh Thị Kim Dung đã thế chấp gần 1.300 tỷ đồng giá trị sổ tiết kiệm tại Vietcombank Tp.HCM. Toàn bộ cổ phần Địa ốc Sông Tiên của nhóm doanh nghiệp mua lại ngay sau đó được thế chấp tại TPBank Hội sở chính, trong đó bao gồm 16,137 triệu cổ phần do vị chủ tịch tập đoàn nắm giữ.

Tới cuối năm 2022, Sông Tiên có tổng tài sản 9.071 tỷ đồng, nợ phải trả là 4.558 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.513 tỷ đồng. Giai đoạn 2021- 2022, chủ đầu tư dự án KĐT Nhơn Phước lỗ sau thuế tổng cộng 416 tỷ đồng.

Những mối quan hệ khăng khít

So với những cái tên đã được đề cập, thì mối quan hệ của tập đoàn đa ngành hàng đầu phía Nam và nhóm TPS - TPBank thậm chí còn khăng khít hơn nhiều.

Tới cuối năm 2022, TPBank là một trong hai chủ nợ lớn nhất, cho tập đoàn này vay ngắn và dài hạn 1.900 tỷ đồng, tăng mạnh gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Về phần mình, TPS từ đầu năm 2021 đã thu xếp phát hành tổng cộng hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp này, gồm 2 lô của CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ G.K (tổng 2.500 tỷ đồng), 2 lô của Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển N.L.T.N (850 tỷ đồng), 1 lô  2.500 tỷ đồng, 1 lô của CTCP Đầu tư và Dịch vụ H. (3.000 tỷ đồng), 1 lô của CTCP Đầu tư Phát  triển C.N.V.T (990 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2022, TPS trực tiếp nắm giữ 93,4 tỷ đồng cổ phiếu tập đoàn này, 250 tỷ đồng cổ phiếu H. và 219 tỷ đồng các loại trái phiếu của nhóm doanh nghiệp nêu trên, ngoài ra còn khoản phải thu 188 tỷ đồng với CTCP MGM Hanbit.

Mối quan hệ giữa hai group này tất nhiên không chỉ dừng lại ở đây. Trong đợt phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu của đối tác đầu năm ngoái, thì TPS đăng ký chi 300 tỷ đồng để mua 15 triệu đơn vị.

Tương tự, TPS cũng đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát  triển C.N.V.T với giá 200 tỷ đồng.

Trong số các tổ chức khác cũng mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, đáng chú ý còn có Công Ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) - thành viên DOJI Group. Pháp nhân cùng nhóm với TPS cuối năm 2020 từng nhận uỷ thác mua 107,7 tỷ đồng trái phiếu do CTCP Đầu tư Phát  triển C.N.V.T phát hành.

Ở chiều ngược lại, vào tháng 9/2021, nhóm đối tác đã mua vào 30 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng với vốn đầu tư 990 tỷ đồng, tổng tỉ lệ sở hữu là 2,56% cổ phần TPB.

Tài chính - Ngân hàng - Loạt đại gia địa ốc 'cậy nhờ' dòng tiền TPS - TPBank (Hình 3).

Các lô trái phiếu TPS đang nắm giữ (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2022 của TPS).

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021, một công ty chứng khoán khác, là CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC) đã làm đại lý phát hành cho một loạt thương vụ trái phiếu được tư vấn phát hành bởi TPS, như lô trái phiếu 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Ngôi sao Gia Định hay lô trái phiếu 500 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch Sinh Thái C.B.

Trực tiếp CASC trong năm 2022 đã tư vấn phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm của Tracodi. CASC, nên biết, cũng là một trường hợp điển hình cho cái bắt tay chặt chẽ giữa tập đoàn trên và DOJI Group.

Như đã đề cập trong kỳ trước, tới cuối năm 2021, một công ty tài chính trong hệ sinh thái tập đoàn đa ngành trực tiếp sở hữu 20% CASC, các cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Đình Ngôn (26,59%), bà Giáp Thị Phương (12,5%) hay CTCP Đầu tư NCCT (17,51%) - pháp nhân do gia đình ông Ngôn đứng tên sở hữu.

Trong số đó, ông Nguyễn Đình Ngôn từng là Giám đốc khối ngân hàng đầu tư của TPS và gắn bó tại đây đến tháng 7/2021, trước khi được bầu vào HĐQT CASC vào tháng 10/2021.

Ông Bùi Minh Kết - người ngồi ghế Chủ tịch CASC giai đoạn 2021-2022 là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển N.L.T.N. CASC vào giữa năm 2021 từng ghi nhận một cổ đông lớn là ông Nguyễn Anh Khoa (16,18%). Doanh nhân sinh năm 1996 khi đó đang là chuyên viên nghiệp vụ thị trường vốn tại TPS.

Vị này thời gian đó là cổ đông lớn, nắm 93 triệu cổ phần, tương đương 39% phần vốn ở Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển N.L.T.N. Ông Khoa còn là cổ đông sở hữu 255 tỷ đồng vốn góp tại một thành viên khác là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ A.K Land - chủ đầu tư một dự án ở TP. Thủ Đức, Tp.HCM.

Ông Nguyễn Anh Khoa vào đầu năm ngoái còn được bầu làm Thành viên BKS CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UpCOM: VHD), cùng thời điểm ông Nguyễn Đình Ngôn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinahud - pháp nhân có nhiều liên hệ tới R&H Group.

Xem thêm >>>  Một thương vụ "gửi nợ" của Chứng khoán Tiên Phong

PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.