Tham ô hàng chục tỷ đồng
Ngày 6/12, TAND Hà Nội đưa ông Phan Minh Nguyệt (55 tuổi, quê Quảng Bình), cựu Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) cùng 5 đồng phạm ra xét xử tội Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hadico từ cuối năm 2005 đến đầu 2014, ông Phan Minh Nguyệt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cùng một số bị cáo phá dỡ dãy nhà kho tại xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm để xây 114 gian nhà, 14 gian ki-ốt để cho thuê trái phép thu về 42,9 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo để ngoài sổ sách và chi tiêu cá nhân hơn 17,7 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ là người đứng đầu Hadico, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo thuộc cấp thu tiền trái phép trong việc cho thuê nhà ở khu tập thể Lĩnh Nam nhưng để ngoài sổ sách, kế toán 2,3 tỷ đồng. Trong thời gian trên, Phan Minh Nguyệt còn chỉ đạo nhân viên để ngoài sổ sách, kế toán hơn 22 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó dùng hơn 16 tỷ đồng cho việc chi tiêu cá nhân.
Để tìm hiểu thực tế về những dự án “sa lầy” dưới thời cựu Chủ tịch Phan Minh Nguyệt, PV báo ĐS&PL đã tìm đến xí nghiệp vườn quả Từ Liêm (chi nhánh của Hadico) có địa chỉ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Xí nghiệp này được giao hơn 400.000m2 đất, trong đó có 370.000m2 là vườn quả Thanh niên, Vườn thực vật Hà Nội và 33.000m2 đất đường, mương nội bộ.
Ghi nhận thực tế tại xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm, khu vực du lịch sinh thái khá vắng vẻ, chỉ lác đác những người dân xung quanh đi bộ thể dục. Bên trong khu vực là một số nhà nghỉ, quán cafe... phục vụ giải trí. Phần lớn diện tích trồng cây tại đây đều là trồng bưởi.
Trao đổi với PV, ông Thanh, một người dân tại đây cho biết, khu vực này bình thường vẫn vắng vẻ, chỉ cuối tuần là có một số khách tham quan. Cũng theo chia sẻ của ông, vườn bưởi trĩu quả kia chỉ một phần là của xí nghiệp, còn lại phần lớn là người dân đấu thầu đất để trồng.
Đi một vòng quanh khu đất, PV không khỏi bất ngờ khi tại một khu sinh thái hoang vắng lại trở nên ồn ã bởi những tiếng khoan, cắt. Theo người dân xung quanh, chuyện "mọc" lên những nhà xưởng với những tiếng khoan cắt hàn xì ầm ĩ tại đây đã từ nhiều năm qua.
Men theo khu đất từ phía cổng sau, PV còn ghi nhận một phần đất được ghi Khu tập thể vườn quả ngay ngoài cổng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đây không phải là nơi các cán bộ công nhân viên của đơn vị ở. Trong vai một người có nhu cầu thuê nhà, PV được người dân tại đây cho biết, giá một phòng trọ khoảng 30 - 40m2 là 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV, những diện tích này đều do người dân mua lại, thuộc sở hữu cá nhân, không phải của xí nghiệp.
Đất vàng bỏ hoang
Mảnh đất vàng mà PV tìm đến chính là địa chỉ trụ sở chính của Hadico, 202 đường Hồ Tùng Mậu. Khu đất này sở hữu "vị trí vàng" trên trục đường Hồ Tùng Mậu dẫn vào trung tâm TP.Hà Nội. Năm 2012, công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) đã hợp tác triển khai dự án 202 Hồ Tùng Mậu với quy mô 10.000m2. Trong đó, NTL góp vốn 65% và 35% còn lại là của ông Phan Minh Nguyệt. Tháng 2/2015 khi ông Nguyệt (chủ đầu tư dự án) bị bắt, NTL đã rút khỏi dự án này.
Trả lời trước cổ đông tại Đại hội thường niên năm 2015 về dự án tại số 202 đường Hồ Tùng Mậu, ông Nguyễn Văn Kha - Chủ tịch HĐQT NTL cho biết: “NTL chính thức không tham gia vào dự án này nữa vì lãnh đạo bị bắt, vướng lao lý nên gặp rất nhiều vướng mắc". Trước đó, ông Kha cho biết sẽ khởi công xây dựng chung cư tại số 202 Hồ Tùng Mậu trong năm 2015. Được biết, dự án 202 Hồ Tùng Mậu là dự án trung tâm giới thiệu sản phẩm kết hợp văn phòng cho thuê có quy mô 10.000m2.
Theo ghi nhận thực tế của PV, nằm trên con đường sầm uất bậc nhất Bắc Từ Liêm, trụ sở chính của công ty chỉ nằm gọn lỏn trong một diện tích nhỏ của khu đất. Tại thời điểm PV ghi nhận, có khoảng 20 người làm việc tại dãy trụ sở 2 tầng đã cũ kỹ. Dọc theo mặt tiền, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hadico cũng chỉ là một ki-ốt nhỏ với diện tích cỡ vài chục mét vuông, còn lại bên cạnh là các cửa hàng bán quần áo, bán hoa, phục vụ ăn uống.
Tìm hiểu được biết, các ki-ốt ở đây đều được cho thuê với giá khá đắt đỏ. "Tất cả đều cho thuê rồi. Như hàng hoa kia, mấy mét vuông thôi cũng 8 triệu/tháng đấy. Rộng rãi hơn như bên ki ốt bán quần áo phải 20 triệu/tháng", một người dân chia sẻ.
Thâm nhập vào khu vực bên trong, PV mới thấy hết sự hoang tàn tại đây. Trái với quang cảnh xung quanh đều là các dự án lớn với những toà nhà mọc san sát, mảnh đất vàng của Thủ đô lại hoang vắng đến lạ thường.
Theo đó, bước qua cánh cổng, khu vực phía sau các cửa hàng ki-ốt ở mặt tiền là một khoảng sân rộng bỏ không, chạy quanh là một phần nhỏ diện tích được lợp tôn để cho thuê gửi ô tô. Càng sâu vào trong, cảnh vật càng trở nên hoang tàn. Nơi đây không một bóng người. Một vài mảnh tường xây dựng ngổn ngang, phế thải xuất hiện khắp nơi. Nếu đứng tại đây, không ai có thể ngờ được đây lại là đất vàng của thành phố, nơi mà giá đất thuộc diện "đắt xắt ra miếng" của khu vực.
Trao đổi với PV, một số người dân sống gần đó chia sẻ: "Khu vực này trước đây được quy hoạch làm chợ mới của thị trấn Cầu Diễn, nhưng sau khi hoàn thành thì không ai chịu chuyển về, một phần do giá thuê ki-ốt cao. Sau đấy, chỗ này vẫn bỏ hoang vậy thôi. Phí lắm!".
Bên cạnh khu đất vàng 202 Hồ Tùng Mậu, những dự án "sa lầy" của Hadico còn phải kể đến dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa 10ha tại Tây Tựu; dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại xã Minh Khai, nay là phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội; dự án chợ đầu mối Minh Khai... Đây đều là những nơi từng được đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên sau đó đều gây thất vọng và lãng phí tiền của.
Được biết, Hadico là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tiền thân là Trạm Giống cây trồng. Công ty này được sáp nhập từ nhiều đơn vị của ngành nông nghiệp Hà Nội, sau đó chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty mẹ – công ty con với vốn chủ sở hữu hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Theo thông tin trên website, Hadico được hình thành và phát triển đã 40 năm, lĩnh vực hoạt động chính là phát triển các loại rau, hoa quả, giống cây nông nghiệp... Hiện Hadico có 6 phòng chức năng; 12 chi nhánh, đơn vị trực thuộc; 7 công ty con và 6 công ty liên kết. |