Trang Upstream Online hôm 8/7 cho biết Ba Lan và Slovakia đã đạt được thỏa thuận về cung cấp khí đốt thông qua cơ sở LNG của Litva (Lithuania). Theo hợp đồng, Warsaw sẽ giúp Bratislava vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi dòng khí đốt Nga ngừng chảy vào tháng 1 năm sau.
Cụ thể, Công ty PGNiG Supply & Trading, một công ty con của công ty năng lượng nhà nước Orlen (Ba Lan), đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt qua đường ống cho nước láng giềng Slovakia – nằm trong số các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng khi hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine hết hạn vào cuối năm nay.
Theo hợp đồng, công ty con của Orlen sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tập đoàn ZSE của Slovakia từ tháng 1 cho đến hết tháng 12/2025. Khối lượng khí đốt, có nguồn gốc từ Mỹ, sẽ được vận chuyển dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến kho cảng LNG tại Klaipeda của Litva, nơi công ty Ba Lan có thể duy trì công suất lâu dài.
Sau khi được tái khí hóa, khí đốt sẽ được vận chuyển qua đường ống nối Litva và Ba Lan vào hệ thống khí đốt của Ba Lan, sau đó được chuyển tiếp đến Slovakia thông qua đường ống nối Ba Lan-Slovakia, vốn đã đi vào hoạt động vào năm 2022.
Orlen chưa tiết lộ khối lượng cung cấp khí đốt cho Tập đoàn ZSE, thuộc sở hữu chung của nhà nước Slovakia và công ty năng lượng E.On của Đức, nhưng cho biết khối lượng theo hợp đồng sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của ZSE trong năm.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của ZSE, công ty vận hành một nhà máy điện chạy bằng hơi nước gần Malzenice ở phía Tây Slovakia với công suất lắp đặt là 430 MW và cũng là nhà cung cấp khí đốt cho khách hàng trên cả nước.
Năm 2023, ZSE đã bán được khoảng 2.800 gigawatt khí đốt (259 triệu m3) tại hơn 241.000 điểm giao hàng ở Slovakia, gần như không thay đổi so với năm 2022, công ty cho biết trong báo cáo.
Orlen cho biết, ZSE là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 ở Slovakia sau công ty năng lượng quốc doanh SPP.
Áp lực ngày càng tăng đối với chính quyền Bratislava trong việc sử dụng các tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt vào Slovakia, quốc gia thành viên EU hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow về khí đốt cho đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Kể từ đó, Slovakia đã tìm kiếm các điểm tiếp cận khí đốt giữa các nước láng giềng, thông qua các dự án kết nối với Hungary và các dự án dòng chảy ngược từ Cộng hòa Séc, Ukraine và Áo. Nước này cũng đã phát triển các kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất, một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Friedrich-Ebert-Stiftung của Đức cho biết.
Đầu năm nay, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã yêu cầu Kiev gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt sắp hết hạn với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom để duy trì nguồn khí đốt Nga chảy sang Slovakia. Các nhà chức trách Ukraine vẫn kiên quyết cho rằng việc gia hạn thỏa thuận là không thể.
Orlen cho biết, hợp đồng với ZSE “thể hiện sự hợp tác ngày càng tăng giữa các công ty Trung và Đông Âu (CEE) nhằm đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường an ninh khí đốt trong khu vực”.
“Việc ký kết hợp đồng giữa các công ty sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự phát triển gần đây của các mối liên kết khí đốt mới giữa Ba Lan và các nước CEE khác. Điều đó giúp Orlen có thể cung cấp khí đốt cho khách hàng cả trong nước và quốc tế, tận dụng danh mục mua khí đốt đa dạng của mình”, công ty cho biết thêm.
Minh Đức (Theo Upstream Online)