17 quốc gia châu Âu, bao gồm 3 "ông lớn" có nền kinh tế đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp và Italy, đang kêu gọi cơ quan điều hành khối này là Ủy ban châu Âu (EC) đẩy nhanh quá trình hồi hương người di cư.
Mười bốn quốc gia thành viên EU, cũng như 3 quốc gia thuộc khu vực Schengen là Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein, đã cùng nhau ký vào một lá đơn kiến nghị, trong đó kêu gọi cơ quan điều hành EU đề xuất các quy tắc mới thắt chặt chính sách hồi hương, hãng Reuters đưa tin hôm 4/10.
"Thông điệp chính mà tất cả đều đồng ý là một tín hiệu rõ ràng gửi tới EC rằng chúng ta cần một hệ thống hồi hương người tị nạn ở cấp EU chặt chẽ hơn với các nghĩa vụ hợp tác rõ ràng hơn từ những người bị hồi hương và ít sự can thiệp hơn từ Tòa án Công lý châu Âu (CJEU)", một nhà ngoại giao từ một trong những quốc gia EU đã ký vào lá đơn cho biết.
Động thái này diễn ra sau một loạt cuộc bầu cử trên khắp EU, trong đó vấn đề di cư là chủ đề chính của các cuộc vận động bầu cử, và có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng ở một số nơi trên lục địa đối với các đảng kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn chính sách di cư-tị nạn của khối.
Gần đây nhất, Đảng Tự do (FPÖ) bảo thủ dân tộc dân túy cánh hữu chống người di cư của Áo đã dẫn đầu cuộc bầu cử lập pháp ở quốc gia thành viên EU ở Trung Âu. Các đảng cực hữu khác trên khắp châu Âu cũng đã đạt được những bước tiến lớn hoặc giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia ở Đức, Hà Lan, Italy và Pháp.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đe dọa sẽ cấp cho những người xin tị nạn "tấm vé một chiều" đến Brussels để phản đối các khoản tiền phạt mà EC công bố đối với quốc gia này vì vi phạm các quy tắc tị nạn của EU.
Trong đơn kiến nghị gửi EC hôm 4/10, 17 quốc gia châu Âu yêu cầu ban hành các quy định mới cho phép các chính phủ giam giữ những người di cư bất hợp pháp nếu họ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cũng như buộc những người di cư phải hợp tác với chính quyền và đảm bảo tất cả các quốc gia EU sử dụng cùng một phần mềm để quản lý các trường hợp.
Mặc dù không thuộc EU, nhưng Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein là thành viên của khu vực Schengen miễn thị thực.
Ứng cử viên của Áo cho Ủy ban châu Âu (EC) khóa mới, Magnus Brunner, có khả năng sẽ đảm nhiệm chức vụ cao nhất phụ trách vấn đề di cư tại EC trong những tháng tới, báo hiệu sự chuyển dịch sang cánh hữu trong cách tiếp cận của EU đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính phủ liên minh tương lai ở Áo có gây áp lực buộc EU phải tiến xa hơn nữa về chính sách di cư hay không. Lãnh đạo FPÖ, Herbert Kickl, đã cáo buộc các đảng phái khác của Áo có âm mưu nhằm ngăn FPÖ cực hữu tham gia vào chính phủ liên minh tương lai của nước này.
Các Bộ trưởng Tư pháp EU sẽ thảo luận về vấn đề di cư tại một cuộc họp ở Luxembourg vào tuần tới.
Ủy ban châu Âu (EC) chưa đưa ra bình luận ngay lập tức, nhưng với việc di cư có thể sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 9 năm sau, chủ đề này sẽ chi phối chương trình nghị sự của ban điều hành EC khóa mới có khả năng nhậm chức vào tháng 12 tới.
Minh Đức (Theo Politico EU, Reuters)