Trang bị loa phường ở Hà Nội
Hà Nội đang dự kiến phấn đấu đến năm 2025 sẽ "phủ sóng" toàn bộ hệ thống truyền thanh (dân gọi là loa phường). Đai diện của Sở Thông tin - Truyền thông nêu rõ việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được chủ trương của địa phương cũng như "việc nội bộ" ở địa bàn.
Từ dự định trên mà thời gian này nhiều ý kiến trái chiều về thông tin Hà Nội tính chuyện khôi phục và phủ sóng hệ thống loa truyền thanh về từng xã phường. Chia tay với những ồn ào từ loa phường hay bảo tồn và phát huy tốt hơn vai trò của nó?
Đặc biệt nhiều người đặt ra câu hỏi có cần duy trì loa phường? Người thành thị đang phải sống với nạn ô nhiễm tiếng ồn nên không muốn ồn thêm, nhất là vào ngày nghỉ.
Đã bao giờ “khai tử” hệ thống loa phường?
Tp.Hà Nội chưa bao giờ “khai tử” hệ thống loa phường mà chỉ điều chỉnh cách vận hành, nội dung thông tin để loa phường thực sự đưa thông tin thiết yếu hiệu quả đến với người dân…
Đó là nội dung được bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội trao đổi với báo chí ngày 27/7 liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về “số phận” loa phường.
Theo Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, hệ thống loa phường khác với những loại hình truyền thông khác và “không thể thay thế”. Tuy nhiên, thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp về thời lượng và tần suất phát loa.
"Loa phường là một kênh không thể thay thế"
Về vấn đề này, ngày 27/7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố có 579 xã/phường/thị trấn nên tương ứng với đó vẫn có 579 đài truyền thanh cơ sở. Qua các giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu tuyên truyền, loa phường vẫn phục vụ công tác tuyên truyền xuống cơ sở một cách hiệu quả nhất.
Bà Hương nhấn mạnh mục đích thông tin cơ sở phải đến được với người dân. Trong đó, hệ thống truyền thanh khác với những loại hình truyền thông khác và “không thể thay thế được”. Điều này giúp cho những chủ trương của thành phố, các công việc nội bộ của khu dân cư đến được với nhân dân nhanh nhất. Trong thời điểm có dịch bệnh, hệ thống loa phường đã phát huy vai trò rất lớn trong việc chống dịch.
Vai trò thông tin của loa phường "mờ nhạt" trong thời đại 4.0
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố. 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Trước đó, thành phố từng khảo sát ý kiến người dân về việc dừng hoạt động loa phường. Tuy nhiên theo kế hoạch mới, Hà Nội sẽ phủ sóng loa phường trở lại nhằm phổ biến thông tin thiết yếu. Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho rằng, ở góc độ cá nhân, loa phường không có tác dụng bởi nhiều lý do. Đa phần người dân đi làm vào giờ hành chính, khi về nhà thì bận rộn đủ thứ việc. Trong khi tiếng ồn của thành phố quá lớn, nhiều khi loa phát nhưng không nghe được thông tin mà chỉ thấy tiếng ầm ầm trộn lẫn âm thanh của phố xá. Hà Nội muốn triển khai loa phường thì nên có đánh giá hiệu quả cụ thể từng tổ dân phố, khu dân cư xem nhu cầu thông tin, mong muốn của người dân như thế nào.
"Hiện nay mọi người sử dụng Internet rất nhiều, qua các hội nhóm như Zalo thì có thể thông báo thông tin qua các hình thức này. Chứ bây giờ mất công xây dựng hệ thống loa mà người ta không nghe lại quá lãng phí. Như ở phường tôi ở, công an khu vực có Zalo các hộ dân thì họ thường nhắn qua đây, thông tin cập nhật liên tục, nhanh gọn hơn loa phường rất nhiều", TS. Hồng nói.
Bên cạnh đó, Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, về mặt thông tin, tại đô thị có vai trò lớn của tổ trưởng dân phố, đoàn thể. Họ được hưởng phụ cấp hàng tháng nên hoạt động có trách nhiệm. Đây là cánh tay nối dài của phường. Thực tế tại các phường nội đô, khi thông báo chính sách của Đảng và Nhà nước và chính quyền sở tại, các tổ trưởng hoạt động khá hiệu quả. Do đó, vai trò thông tin của loa phường càng mờ nhạt.
Trong bối cảnh không gian đô thị ồn ào, lại nhiều nguồn thông tin thì loa phường cần xem xét lại cách thức hoạt động. Trong khi vai trò của loa phát thanh tại xã vẫn còn hữu ích thì vẫn duy trì.
Đã "hồi sinh" nhưng chưa thành công
Loa phường chuyện không chỉ của hôm nay. Trước đó, vào năm 2017, lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh" và tổ chức lấy ý kiến người dân về việc dừng sử dụng thiết bị này.
Cụ thể, hồi cuối năm 2017, hai đơn vị là Viettel và Mobifone được thí điểm lắp đặt thiết bị mới có tên M-GATEWAY (tương tự modem wifi) trong từng hộ dân, nhằm thay thế dần hệ thống loa phường.
Ở thời điểm này, có 200 thiết bị được thí điểm lắp đặt ở 4 phường trên địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội), trong đó quận Hoàn Kiếm được Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội bố trí 50 thiết bị, lắp đặt cho các hộ dân trên địa bàn phường Tràng Tiền; Viettel là đơn vị cung cấp thiết bị.
Qua tìm hiểu, tháng 8/2017, Hà Nội đã ban hành đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hằng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, TP.
Đến năm 2019, dự án thí điểm nêu trên tại quận Hoàn Kiếm kết thúc; thiết bị "loa phường thông minh" cũng được thu hồi. Kể từ năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không thí điểm dự án tương tự nào liên quan đến "loa phường thông minh" nữa.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, sau một thời gian thí điểm, cơ quan này đánh giá thiết bị mới hoạt động "chưa được tốt lắm".
Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng tại Hà Nội, hệ thống loa phường tại thủ đô cũng đã được khôi phục để phục vụ tuyên truyền chống dịch. Tuy nhiên, việc lặp lại loa phường hiện nay đang vấp phải vấn đề đặt ra có cần thiết hay không?
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động)