Ngày 19/9/2012, UBND quận Hai Bà Trưng và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tiến hành cuộc họp về việc di chuyển chợ Hòa Bình. UBND thành phố Hà Nội đã chấp nhận chủ trương di chuyển chợ này về khu vực chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai).
Một góc “chợ Trời” ngày nay
Theo một số thông tin, có thời gian, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã có chủ trương giải tỏa "chợ Trời" về khu vực gần ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt và khu vực Công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, khu chợ tạm này chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn rồi dân buôn lại quay về đất cũ làm ăn.
Đến năm 1982, lại một lần nữa quận Hai Bà Trưng đứng ra giải quyết về "chợ Trời". Thay vì bày bán tràn lan dưới lòng đường, trên vỉa hè như trước kia, "chợ Trời" đã được dựng mái che, phân khu, có sạp bày bán hàng dưới vài tuyến phố. Ban quản lý chợ được thành lập. "Chợ Trời" cũng được đặt tên thành chợ Hòa Bình.
"Chợ Trời" càng ngày càng được mở rộng quy mô và đa dạng chủng loại hàng hóa. Do lợi nhuận từ kinh doanh, các ông chủ của các sạp hàng ở chợ này đã cố gắng tận dụng diện tích mặt bằng bày bán đủ các loại sản phẩm từ thứ rẻ tiền đến đắt tiền, từ hàng lậu đến hàng chính hãng. Chính vì vậy, người dân muốn mua bất cứ thứ gì chỉ cần ra "chợ Giời" tìm.
Hiện nay, chợ có hơn 700 hộ buôn bán hàng hóa, gây ô nhiễm môi trường, gây ùn tắc và cản trở giao thông. Trong khi đó, càng ngày quy mô của chợ càng lớn. Bên cạnh các sạp hàng bán đồ cũ, đồ giá rẻ, có nhiều chủ hàng là đầu mối tiêu thụ hàng lậu, đồ ăn cắp, từ những chiếc cần gạt nước, biển số xe đến gương chiếu hậu. Ngoài ra, một số sạp còn lén lút bán cả dao kiếm… Sự phát triển của "chợ Trời" đã vượt quá khả năng kiểm soát của Ban quản lý chợ.
Vì thế, UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản chỉ đạo phường Phố Huế và BQL chợ Hòa Bình về việc quản lý "chợ Trời". Văn bản cũng nêu rõ, chợ Hòa Bình hoạt động trên lòng đường, vỉa hè của phố Thịnh Yên, Yên Bái, phố Chùa Vua, cũng là chợ nằm trong danh mục phải di chuyển theo quy hoạch. Do đó, việc di chuyển chợ sẽ góp khiến Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại. Thành phố cũng yêu cầu, việc di dời phải có lộ trình cụ thể, dựa trên nguyên tắc bố trí, sắp xếp, bảo đảm điều kiện cho bà con ổn định kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian chợ chờ di dời, UBND quận yêu cầu phường Phố Huế và Ban quản lý chợ hết sức tạo điều kiện cho bà con ổn định kinh doanh, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông. Ban quản lý chợ phải thường xuyên rà soát diện tích kinh doanh, phối hợp với phường Phố Huế kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm gây ách tắc giao thông, gây mất trật tự, nghiêm cấm bố trí thêm các hộ vào kinh doanh trong chợ. UBND quận cũng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kịp thời giải đáp những thắc mắc của hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để ủng hộ chủ trương đúng đắn của thành phố.
Chúng tôi đã đến "chợ Giời" ngay khi có chủ trương di dời của thành phố. Mọi hoạt động buôn bán vẫn tấp nập như thường ngày. Dân buôn chẳng có vẻ lo lắng về "bát cơm manh áo" của mình đang có thể bị thay đổi. Anh Thành, người buôn loa đài ở phố Thịnh Yên cho hay: "Di chuyển là việc của mấy ông quản lý, chúng tôi không quan tâm. Dời đâu cũng được!". Còn anh Vinh, người buôn đồ điện tử thản nhiên: "Chợ dọn đi hay không là việc của Giời!. Đã bao có lần di chuyển nhưng rồi những người dân lại quay về chỗ cũ bày bán đấy thôi!"…
Hoàng Thế Tào