Sáng 24/9, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết, việc di dời nhà máy đã có lộ trình từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy cũng gặp phải những khó khăn nhất định, trong đó, nhu cầu về nguồn vốn cho chương trình di dời dự án gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo vị đại diện này, Công ty Thuốc lá Thăng Long sẽ có dự án nhà máy mới nằm ở Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai (thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội). Theo đó, dự án này đã xây dựng được 90%, dự kiến trong tháng 11/2019 sẽ cho chạy thử nghiệm dây chuyền.
Theo văn bản số 413/QĐ-TLVN mà phóng viên được đại diện công ty cung cấp, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) vào ngày 15/11/2018. Theo đó, tiến độ hoàn thành dự án là vào Quý IV năm 2019.
Cũng theo văn bản, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 615 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 359 tỷ; chi phí thiết bị hơn 90 tỷ; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là gần 36 tỷ; chi phí quản lý dự án là 7,3 tỷ; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 11 tỷ; các chi phí khác và dự phòng là hơn 100 tỷ.
Trước đó, Công ty Thuốc lá Thăng Long có diện tích hơn 6,4ha nằm tại địa chỉ 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đã được duyệt chủ trương di dời từ cách đây 9 năm trước. Theo quyết định được duyệt, công ty có thể sử dụng số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất để dời nhà máy ra Khu công nghiệp Quốc Oai và hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay, theo lý giải của doanh nghiệp, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn chưa hoàn tất nên chương trình di dời nhà máy chưa có ngân sách.
Cùng với Công ty Thuốc lá Thăng Long, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng… đang có nhà máy tại khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Đây là điểm nhức nhối nhất với cụm các nhà máy gây ô nhiễm. Các nhà máy này đều được quận Thanh Xuân cũng như sở Tài nguyên và Môi trường "liệt" vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu vực xung quanh.
Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong số này, nhiều nhất là quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân... Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy.
Cụ thể, các cơ sở này thuộc nhóm không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, theo đó, tại quận Đống Đa có 13 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 16 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 29 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; Long Biên 17 cơ sở.
Xem clip: Cận cảnh nhà máy Thuốc lá Thăng Long