“Lộc trời” vắng bóng, nông dân “vỡ mộng” làm giàu, ôm lỗ hàng tỷ đồng mỗi năm

Chủ nhật, 22/12/2024 17:22

Từng được coi là “lộc trời” được nhiều người lùng mua với giá lên tới nửa triệu đồng/kg, con rươi trở thành món ăn đặc sản mang về tiền tỷ cho người nông dân. Tuy nhiên, cũng không ít người vì “ôm mộng” làm giàu từ rươi mà bỗng dưng ôm cả đống nợ.

Thuê đất chờ “lộc trời” xuất hiện

Rươi thường sinh sôi ở vùng nước lợ và cũng là loại đặc sản được nhiều người tìm mua với giá đắt đỏ. Vì vậy, người dân ở nơi đây ví rươi như là "lộc trời".

Không cần phải nuôi nấng cho ăn hàng ngày như những con vật nuôi khác, cứ đến chu kỳ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, rươi lại xuất hiện. Người dân chỉ cần giăng lưới tại cống, chờ thủy triều rút, rươi theo dòng nước bơi ra, mắc lại ở phần lưới đặt trước đó. Tùy thời tiết và con nước hàng năm, nhiều hộ dân đã thu được cả tỷ đồng từ việc săn rươi.

Vì vậy, người dân coi rươi là "báu vật trời cho". Rươi đã mang đến cho nhiều hộ dân vùng cửa sông của Hải Phòng có thu nhập lớn, nhất là khi thời tiết và thủy triều thuận lợi.

img

Rươi là đặc sản từng có giá trị hơn nửa triệu đồng/kg.

Tại Hải Phòng, mô hình “cấy lúa nuôi rươi” từng đem lại nhiều hoa lợi giúp người nông dân phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhiều người thấy lợi nhuận cao từ rươi mang lại đã đầu tư đấu thầu đất để chờ rươi xuất hiện.

Sinh ra và lớn lên trên ruộng lúa, đồng rươi nên khi biết được chủ trương đấu thầu ruộng để cấy lúa, nuôi rươi, anh Trần Bá Cương, trú tại thôn 10, xã Tam Cường, huyện Tiên Lãng đã rất hăng hái thầu ruộng với chi phí 2 tấn thóc/sào/năm để làm mô hình phát triển kinh tế làm giàu trên đồng đất quê hương.

Năm 2017, anh đấu thầu được 1,4 mẫu ruộng với giá 90-100kg thóc/sào một năm để nuôi rươi. Mấy năm đầu, mỗi năm anh Cương cũng thu được từ 350-400 triệu đồng, lợi nhuận lên tới hơn 150 triệu đồng.

img

Rươi chỉ xuất hiện vài lần trong 1 năm nhưng có giá đắt đỏ.

 “Năm đó, mỗi sào rươi thu trung bình cũng được 50kg, lại bán được giá cao, từ 350-400 nghìn đồng/kg. Vì vậy, năm 2020, tôi đấu thầu tiếp hơn 6 mẫu để quy hoạch thành mô hình hướng đến xây dựng thương hiệu rươi, mở rộng kênh kết nối, phát triển thị trường giúp cho con rươi của nhà mình nói riêng, quê mình nói chung có được mức giá ổn định giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Cương bộc bạch.

Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của tình trạng nước ngập mặn, lượng rươi dần ít đi khiến thu không đủ chi.

Vỡ mộng làm giàu vì “lộc trời” vắng bóng

Năm 2023, số tiền thuê 8 mẫu đất ruộng lên tới 500 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, cả một mùa rươi, anh chỉ thu được hơn 60 triệu đồng.

img

Rươi mất mùa, giá lại thấp chưa từng có khiến nhiều người lâm vào cảnh thất thu, lỗ chồng lỗ.

“Năm nay, ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến cho lúa bị chết, nước bị thối, con rươi chết ngạt nên mất mùa lúa, mất cả mùa rươi. Cả vụ, tôi mới thu được vài chục cân rươi, giá lại thấp chưa từng có, chỉ 200 nghìn đồng/kg. Không đủ chi phí thuê công lao động chứ đừng nói đến các khoản chi phí khác”, anh Cương thở dài.

img

Nhiều hộ dân đầu tư nuôi rươi thất thu vì rươi mất mùa, mất giá.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Văn Hạnh cũng đấu thầu 1,8 mẫu ruộng, đóng sản lượng với chi phí mỗi năm là hơn 1 tấn thóc/sào. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, rươi mất mùa, mất giá. Ngoài việc thua lỗ các khoản đầu tư, gia đình anh phải chạy vạy để đóng sản lượng.

“Gia đình đã đầu tư hết vốn liếng vào đây nhưng hai năm nay, lỗ chồng lỗ đến quá khả năng của gia đình. Rất mong các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ giúp bà con nông dân giảm bớt phần nào chi phí thuê đất để hỗ trợ bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”, anh Hạnh thở dài.

img

Những cánh đồng mênh mông nước vắng bóng rươi.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Điện, Trưởng thôn 10, xã Tam Cường cho biết, hai năm gần đây, khu đồng rươi của thôn mất mùa nên hàng chục người dân đấu thầu ruộng gặp khó khăn lớn.

“Với mức sản lượng cao lên đến hơn 2 tấn thóc/sào/năm, cùng với khoản chi phí tiền phân gà, công cấy, tiền máy lồng, máy bừa, công làm cỏ… tổng chi phí cũng lên đến vài chục triệu đồng/sào. Một số hộ dân có diện tích từ vài sào lên đến gần chục mẫu ruộng, mức lỗ của người dân lên đến hàng trăm triệu đồng/năm”, ông Điện phân tích.

img

Mất mùa rươi, người dân giặt đồ cất vào kho để đón rươi mùa sau.

Theo ông Điện, nếu như trước đây, ruộng rươi giúp cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo thì nay, nhiều gia đình gặp khó khăn ngay trong việc đóng thuế cho nhà nước.

“Sản lượng rươi thấp phần lớn do nước ngập mặn xâm nhập, không có cách giải quyết. Vì vậy, từ năm 2023, người dân đã có đơn lên xã xin giảm thuế ruộng nhưng chưa được chấp thuận. Mong rằng trong thời gian tới lãnh đạo chính quyền địa phương tiếp tục đề xuất lên huyện các cơ quan ban ngành có cơ chế giảm thuế cho người dân, giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất mùa rươi”, ông Điện nói.

Nguyễn Thương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.