Những bí ẩn về sao Mộc đang dần được khai quang dưới những phát hiện mới từ tàu vũ trụ Juno của NASA. Mới đây, trong nhiệm vụ thám hiểm của mình, tàu vũ trụ tiếp tục hé mở bức màn mờ ảo của sao Mộc.
Những hình ảnh hồng ngoại được chụp bởi Juno khi bay quanh quỹ đạo của sao Mộc đã cho thấy những cơn lốc xoáy khổng lồ, sắp xếp theo những hình dạng đặc biệt ở các cực của hành tinh. Ví dụ, tại cực Bắc của sao Mộc, một cơn bão lớn bao gồm 8 cơn lốc xoáy xung quanh. Ở cực Nam, một cơn bão khác cũng được bao quanh bởi nhiều cơn lốc tương tự. Điều đặc biệt là các cơn lốc xoáy này dường như luôn ở sát nhau nhưng không có dấu hiệu sáp nhập.
Theo đó, những cơn lốc xoáy này đều kéo dài ít nhất 7 tháng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Alberto Adriani, một nhà khoa học thuộc Viện Vật lý thiên văn và khoa học không gian ở Rome cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy một cái gì đó hoàn toàn mới lạ chưa từng thấy xuất hiện ở các hành tinh khác".
Đây không phải lần đầu tiên các nhà thiên văn học tìm ra các cơn bão khổng lồ ở cực của các hành tinh. Cụ thể, như ở sao Thổ, hành tinh lớn thứ hai trong hệ Mặt trời cũng từng có những cơn bão lớn ở các cực, các nhà nghiên cứu đã trông đợi những phát hiện tương tự ở sao Mộc. Tuy nhiên, thực tế, bão ở sao Mộc và sao Thổ hoàn toàn khác nhau.
Các luồng gió và lốc xoáy trên bề mặt sao Mộc thực sự tác động sâu vào bên trong hành tinh, gây ra những biến đổi kỳ lạ trong trường hấp dẫn của nó. Còn trên bề mặt, các cơn lốc xoáy khổng lồ ở các cực lại tạo thành những hoa văn kỳ lạ.
Sao Mộc chứa những dải gió và lốc lan tỏa khắp bề mặt, xoay với tốc độ khác nhau, đôi khi lên đến 220 dặm một giờ (100 mét mỗi giây).
Các nhà khoa học từng phát hiện ra những hoa văn kỳ lạ trên các hành tinh khác. Trước đó, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một mô hình đám mây lục giác khổng lồ ở cực Bắc của sao Thổ năm 1988. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhóm nghiên cứu phát hiện ra các cơn lốc xoáy được sắp xếp theo hình dạng đa giác như kể trên.
Các nhà nghiên cứu tò mò, chưa biết tại sao những cơn lốc xoáy này vẫn tồn tại mà không sáp nhập vào nhau, dù có những lúc chúng ở khoảng cách cực gần. Adriani hi vọng, có thể tìm thấy những cấu trúc tương tự sao Mộc trong hệ Mặt trời.
Những phát hiện mới đây đã được đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 8/3. Đây là một trong số 4 phát hiện mới nhất về sao Mộc trong số những quan sát của Juno. Khá trùng hợp, ngày đăng tải những hình ảnh này lại trùng với ngày Quốc tế phụ nữ. Và "bó hồng" của sao Mộc có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy thú vị.
Theo Space, The Verge