Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sẽ mất tới 18 tháng để giải quyết hết số lượng máy bay chiến đấu F-35 Lightning II "mới toanh" đang tồn kho, nhưng công ty cũng vừa đạt một cột mốc đáng chú ý nhưng không phô trương: Bàn giao chiếc tiêm kích tàng hình "Tia chớp" thứ 1.000.
Thông tin trên được lãnh đạo nhánh hàng không của Lockheed, ông Greg Ulmer, chia sẻ với Tạp chí Air & Space Forces hôm 19/9 tại Hội nghị Không quân, Không gian & Không gian mạng do Hiệp hội Không quân và Không gian (AFA) tổ chức.
Ông Ulmer cho biết, ông không thể cung cấp tốc độ cụ thể mà Lockheed đang giao những chiếc F-35 đã bị lưu kho, nhưng cho biết "mọi việc đang diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi sẽ mất 12-18 tháng để đưa những chiếc máy bay đó và số hàng tồn đọng ra thị trường".
Khoảng thời gian 18 tháng là dài hơn so với ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) của Mỹ đưa ra hồi tháng 5. Vị quan chức của Lockheed cho biết trình tự giao hàng đã được khách hàng của hãng này chấp thuận.
Lockheed đã từ chối tiết lộ chính xác có bao nhiêu chiếc F-35 đã được đưa vào kho trong thời gian tạm dừng giao hàng, nhưng có khả năng là khoảng 100 chiếc. Một trong số chúng đã vinh dự trở thành chiếc tiêm kích thứ 1.000 được bàn giao khi được gửi đến Phi đoàn tiêm kích 115 – một đơn vị của Lực lượng Phòng không Quốc gia Wisconsin, đóng quân tại Căn cứ Phòng không Quốc gia Truax Field, Madison, Wisconsin, hồi tháng 7.
Không giống như các cột mốc trước đây như máy bay F-35 thứ 100 được sản xuất hoặc máy bay F-35 thứ 100 được chuyển giao cho Không quân Mỹ, không có thông báo công khai hoặc buổi lễ nào dành cho chiếc thứ 1.000 nói trên.
Vào thời điểm đó, CEO của Lockheed Martin Frank A. St. John chỉ lưu ý rằng 1.000 máy bay chiến đấu đã được chuyển giao trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, nhưng không nói rõ là nó đã tới đâu.
Chiếc máy bay thứ 1.000 được chuyển giao không nhất thiết là chiếc máy bay thứ 1.000 được sản xuất. Ông Ulmer cho biết, các máy bay chiến đấu không được chuyển giao theo thứ tự chúng được chế tạo, mà được trộn lẫn với các máy bay mới xuất xưởng. Cách tiếp cận này "ít gây gián đoạn" hơn cho quy trình chế tạo, thử nghiệm và chuyển giao máy bay phản lực của Lockheed Martin .
Theo ông Ulmer, khi được đưa vào kho, các máy bay phản lực không được niêm phong và chỉ đơn giản là đỗ trên đường băng. Thông thường, mỗi máy bay phản lực sẽ được kiểm tra 4 lần trước khi lăn bánh rời khỏi dây chuyền sản xuất: 2 lần do Lockheed kiểm tra và 2 lần do khách hàng thực hiện.
Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 (JPO) sau đó đã làm việc với các dịch vụ và khách hàng nước ngoài để thiết lập trình tự giao hàng, vị quan chức của Lockheed cho biết. Ông nói: "Các vị có thể tưởng tượng ra rằng có những cột mốc quan trọng đối với các khách hàng khác nhau".
Một số quốc gia đang nhận được máy bay phản lực đầu tiên của họ, chẳng hạn như Ba Lan và Bỉ, trong khi "Australia muốn những chiếc máy bay hoạt động đầy đủ… Vì vậy, đây là những loại ưu tiên xác định ai có khả năng nào, khi nào", ông giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng ông chưa nghe thấy bất kỳ khiếu nại nào từ khách hàng về trình tự giao hàng.
Minh Đức (Theo Air & Space Forces)