Thời gian gần đây, ngoài những trang web photoshop ảnh để giải trí, trên mạng internet "mọc" lên hàng loạt các diễn đàn “chế” ảnh người khác một cách khá thô thiển và phản cảm. Nhìn từ vụ cô nữ sinh N.T.T.L tự tử vì bị ghép ảnh, nhiều người tá hỏa vì những bức ảnh kiểu này lâu nay đang tràn ngập trên mạng.
Từ lâu, trang Haivl, Chatvl đã trở thành trung tâm "chế" ảnh khổng lồ. Được biết, chỉ sau một thời gian xuất hiện, những trang web kiểu này đã thu hút được hàng triệu thành viên nhờ những bức ảnh “chế”, truyện tranh 18+, khiến nhiều người lớn nhìn vào phải đỏ mặt. Vào trang Haivl, PV báo ĐS&PL không khỏi nhức mắt vì những bức ảnh “chế” cực kỳ phản cảm.
Nhiều diễn đàn “chế” ảnh vô cùng phản cảm, ác ý.
Các thành viên trên mạng thi nhau “chế” ảnh của một người được gọi với cái tên thánh Phồng tôm và Thánh cuồng. Theo tìm hiểu của PV, người được các thành viên trên trang web này gọi là thánh Phồng, thường xuyên bôi xấu là Phạm Minh Phú (SN 1986, trú tại khu tập thể ĐH Mỏ Địa Chất).
Phú từng có một tiền án về tội lừa đảo và mới đây vừa bị bắt vì tội danh tương tự. Được biết, tên tuổi của Phú đã trở thành tâm điểm của các hình chế trên trang Haivl... Người ta thản nhiên sỉ nhục, ghép hình ảnh của thánh Phồng vào mọi hoàn cảnh để sỉ nhục và là trò mua vui cho thiên hạ. Những hình ảnh được “chế” ra với những lời lẽ bình luận thô tục khiến nhiều người cảm thấy bức xúc mỗi khi vào trang này.
Cơ quan thực thi pháp luật gặp khó vì nick ảo "Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm đối với một cá nhân nào đó "chế" ảnh cá nhân của người khác rồi đưa lên mạng xã hội cũng rất khó khăn. Bởi vì, internet là một môi trường khá rộng lớn, những người tham gia các diễn đàn đều sử dụng nick ảo. Việc xác minh chứng cứ, nguồn gốc người tung ảnh chế rất khó bởi vì chỉ cần một nick ảo trên mạng họ có thể cập nhật hàng trăm, hàng nghìn chiếc ảnh", luật sư Nguyễn Quang Thuận chia sẻ. |
Cùng cảnh ngộ, giám đốc của một trung tâm thuộc trường ĐH Bách khoa cũng bị đem ảnh ra làm trò tiêu khiển. Ảnh của ông bị "chế", ghép ở mọi tình huống và những lời lẽ khiếm nhã. Bên cạnh đó, cùng một thời gian, thần đồng Đỗ Nhật Nam, dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản cũng khổ sở vì những bức ảnh chế của mình trên mạng.
Sau khi có phát ngôn gấy sốc truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn, Nhật Nam đã bị coi là hiện tượng "chế" ảnh trên trang Haivl với những nội dung xúc phạm.
Theo nhiều chuyên gia xã hội học, nếu không phải là cậu bé có bản lĩnh chắc chắn Nhật Nam sẽ gục ngã sau khi thấy mình biến thành món đồ giải trí cho mọi người. Thậm chí, nhiều thành viên trên trang này còn làm thơ để chế giễu, ném đá cậu bé năm nay mới tròn 12 tuổi.
Theo các thành viên của trang mạng này, chỉ cần một tấm ảnh, phát ngôn không chuẩn trên mạng, họ sẽ vào ngay tầm ngắm của không ít "anh hùng bàn phím". Một khi đã được đưa lên trang này thì coi như đã là trò giải trí bình phẩm của hàng ngàn người trong một thời gian dài.
Dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Thuận (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Luật pháp nước ta quy định, hình ảnh cá nhân là quyền về nhân thân của cá nhân người đó. Quyền này được pháp luật bảo vệ và được quy định cụ thể trong các Điều 31, 33, 34 của Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, những người "chế" ảnh của người khác bị khép vào tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác theo Điều 121 của Bộ luật Hình sự. Khoản 1 của điều này có quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo luật sư Thuận, trong vụ việc nữ sinh N.T.T.L ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) uống thuốc diệt cỏ tự tử cần phải điều tra thật kỹ lưỡng nguyên nhân. Nếu đúng như di thư mà cô gái để lại, tự tử vì bị bạn bè "chế" ảnh trêu chọc thì người trực tiếp ghép ảnh rồi tung lên mạng có thể sẽ bị truy tố về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Vương Chân