Thông tin Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) trải lại 2000 tấn rác mỗi ngày cho TP. HCM khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Nhiều người dân cho biết, bãi rác Đa Phước từng được xem là bãi rác lớn, có đủ công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc xử lý rác thải. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh, đơn vị này chưa đáp ứng được niềm tin của TP. trong việc xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường. Nếu như mỗi ngày, đơn vị này ngưng không tiếp nhận 2000 tấn rác sẽ đẩy TP. vào tình thế đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao nếu không tìm ra giải pháp tối ưu.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM cho biết: “Việc giải quyết vấn đề này liên quan đến môi trường của TP. nên phải được xem xét một cách thấu đáo trên nguyên tắc an toàn, đảm bảo yếu tố môi trường lên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác với các đơn vị trên địa bàn TP. đều có hợp đồng cụ thể. Vì vậy đề nghị của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN phải căn cứ theo hợp đồng”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá việc VWS đòi “trả lại” 2000 tấn rác/ngày cho TP. cho thấy công nghệ xử lý rác ở đây chưa đảm bảo về mặt môi trường. Do vậy, dù có giảm số lượng rác tiếp nhận mỗi ngày tại đơn vị này, thì mùi hôi phát sinh cũng sẽ giảm không đáng kể.
“Nguyên nhân của việc bãi rác vẫn chưa triệt tiêu được mùi hôi, ô nhiễm không khí là do công nghệ xử lý rác của VWS chủ yếu là chôn lấp. Nơi phát tán mùi hôi là khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác. Tuy nhiên, khi đơn vị này ký hợp đồng với TP. HCM có nội dung “sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp”. Thực tế cho thấy, những năm qua, đơn vị này chủ yếu xử lý rác thải bằng cách chôn, lấp”, một chuyên gia của Viện kinh tế tài nguyên môi trường cho biết.
Đáng ngại hơn, các chuyên gia cũng lo lắng việc VWS đòi “trả lại” 2000 tấn rác/ngày cho TP. là lời cảnh báo về độc quyền và an ninh rác. GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP HCM cho biết: “Động thái của Đa Phước lần này cũng là lời cảnh báo về độc quyền và an ninh rác, vấn đề mà giới khoa học đã cảnh báo thành phố từ hàng chục năm trước. Lúc đó, khi TP. có chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 ở Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TP. HCM) để đưa tất cả về Đa Phước đã có nhiều lời cảnh bảo về nguy cơ độc quyền trong xử lý rác, song thành phố không nghe”.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM nhấn mạnh: “TP. HCM cần duy trì nhiều đơn vị xử lý rác chứ không nên dồn rác hết vào một chỗ để tránh hiện tượng độc quyền, gây nguy cơ mất an ninh rác. Hơn nữa, ngoài việc chôn lấp TP. HCM cần yêu cầu các công ty phải đa dạng công nghệ xử lý như thiêu đốt, tái chế composite, ... Vì nếu chỉ chôn lấp sẽ gây bị động, có thể gây ô nhiễm môi trường nước và việc ô nhiễm mùi hôi tại bãi rác Đa Phước là một minh chứng”.
Hà Nguyễn
Công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt Thông tin về việc bãi rác Đa Phước chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp trong việc xử lý rác thải, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt”. |