"Nếu không làm sẽ bị bán tiếp hoặc bị thủ tiêu"
Cuối tháng 5, phóng viên Người Đưa Tin tìm đến nhà của em H.N. (21 tuổi, ngụ thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) – nạn nhân vừa được giải cứu khỏi Campuchia và trở về Việt Nam đầu năm 2025.
Tại đây, H.N. chia sẻ rằng thời điểm bị lừa, em đang theo học tiếng Nhật tại Công ty Phát triển nhân lực JIS (gọi tắt là Công ty JIS), có địa chỉ tại 79/51-53 Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12, Tp.HCM).
Trong quá trình học, H.N. quen một người đàn ông tên Trung qua mạng xã hội Facebook. Đối tượng này dụ dỗ em sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”. Tin lời, H.N. vượt biên sang Campuchia, nhưng ngay sau đó đã bị Trung bán cho một công ty lừa đảo do người Trung Quốc điều hành, đặt gần khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Tại đây, H.N. bị yêu cầu liên lạc về gia đình để chuộc người với số tiền 100 triệu đồng.

Em H.N. được Công an tỉnh Bình Phước giải cứu và đưa về với gia đình.
“Anh Trung nói với em là sang bên đó làm cho một công ty phát triển app game, lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Em tin và không suy nghĩ nhiều nên đồng ý đi ngay. Nhưng khi đến nơi, em mới biết công việc không như lời hứa, mà là làm một dạng app lừa đảo khác,” H.N. nhớ lại.
“Người trong công ty đe dọa rằng nếu không làm việc sẽ bị bán tiếp cho nơi khác, hoặc tệ hơn là bị nhốt vào thùng rồi ném xuống biển. Họ còn cảnh báo nếu làm sai quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Em rất sợ. Quãng thời gian ở đó thực sự như sống trong địa ngục – ngày nào cũng bị đánh đập, bị phạt và hoàn toàn mất quyền tự do,” H.N. kể.
Cùng được giải cứu với H.N, còn có em T.V.H. (quê Bình Phước).
Em H. chia sẻ, do không có công việc ổn định và bằng cấp, em tìm việc qua Facebook và bị thu hút bởi một bài đăng tuyển dụng “gõ máy tính, lương 20–25 triệu đồng/tháng”.
Sau khi tương tác qua phần bình luận, một người đàn ông nhắn tin trực tiếp, hỏi H. có biết dùng máy tính không và trấn an rằng “sang bên đó sẽ được đào tạo, lương cao, đãi ngộ tốt”.
Tuy nhiên, khi đến nơi, H. bị đưa sâu vào nội địa Campuchia, ép làm việc cho một công ty lừa đảo trực tuyến. Hằng ngày, em cùng nhiều người khác phải giả danh công an, nhân viên ngân hàng, điện lực, hoặc mạo danh trong các ứng dụng tình yêu, hẹn hò, chat sex để lừa đảo người Việt.
"Do áp lực quá lớn, em cùng một số người cố gắng bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Bọn chúng dùng gậy ba khúc đánh gãy chân em, rồi đá liên tiếp vào ngực. Em vẫn chưa hết hoảng sợ mỗi khi nhớ lại cảnh bị hành hạ ấy", H. chua xót.
Cũng là nạn nhân của chiêu bài "việc nhẹ lương cao", anh H.V.T. (SN 1995, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) kể lại, giữa tháng 11/2024, khi vừa học xong nghề sửa xe máy tại TP.HCM, anh tìm việc trên nhóm Facebook "Tìm việc làm tại TP.HCM". Một tài khoản tên “Hạ Mei” chủ động nhắn tin, hứa hẹn công việc nhẹ, thu nhập cao tại Campuchia, bao ăn ở.
“Gia đình khó khăn, em mới ra nghề, nghĩ đây là cơ hội đổi đời nên gật đầu. Nhưng đến nơi thì khác hoàn toàn. Bị nhốt trong khu nhà kín, làm việc từ 13–16 tiếng mỗi ngày, không được ra ngoài. Làm sai hay bỏ trốn sẽ bị đánh đập. Em từng nghĩ đến cái chết vì tuyệt vọng. May mắn là người thân kịp thời báo công an và cứu được em", T. kể.
Nhiệm vụ chính của T. là sử dụng máy tính để tạo tài khoản Facebook, lôi kéo người Việt vào chơi các trò đánh bạc online. Nếu không đạt chỉ tiêu một khách nạp tiền/tháng, T. sẽ bị bán sang công ty khác. Trong vòng vài tháng, anh bị bán qua 3 công ty, với giá tăng dần từ 1.800 đến 2.800 USD.
“Họ không trả lương nếu không dụ được người nạp tiền. Chỉ một lần em lừa được khách nên được trả chút tiền. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong khu khép kín có nhà ăn, quầy tạp hóa, nhưng không ai được ra ngoài. Điện thoại bị cấm, chỉ lén mượn được của bạn phòng mới gọi được về nhà. Họ yêu cầu gia đình phải có tiền chuộc mới cho về, nếu không thì tiếp tục làm việc như nô lệ", T. cay đắng nói.

Lực lượng chức năng tiếp nhận các nạn nhân từ phía Campuchia trao trả vào đầu tháng 2/2025 tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Tích cực tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân
Trước thực trạng gia tăng các vụ lừa đảo lao động qua biên giới, đặc biệt là sang Campuchia, Lào, Myanmar... để ép buộc lao động, cưỡng bức lừa đảo trực tuyến, nhiều trường học và cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân – nhất là giới trẻ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, cô Phạm Thị Thanh Hằng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) cho biết: “Nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép nội dung cảnh báo lừa đảo trong tiết chào cờ và các hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ từ các lời mời gọi làm thêm với mức lương cao bất thường, không rõ ràng về công việc hay đơn vị tuyển dụng".
Theo cô Hằng, học sinh cấp 3 là nhóm dễ bị dụ dỗ do thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Nhà trường không chỉ tuyên truyền trong nội bộ mà còn phối hợp với phụ huynh và các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ từ môi trường mạng và xã hội.
Thông tin từ Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho thấy, các đường dây tội phạm mua bán người hiện đang hoạt động rất tinh vi, với 94% vụ việc liên quan đến mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram...
Các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, lập ra các trang tuyển dụng như “Việc làm Campuchia”, “Hội người Việt ở Cambodia”,… để tiếp cận người có nhu cầu tìm việc. Sau khi lấy được lòng tin, chúng dụ dỗ nạn nhân sang nước ngoài qua cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, rồi bán cho các công ty, sòng bài tại Campuchia.
Tại nơi làm việc, nạn nhân thường bị ép lao động quá sức, bị áp đặt chỉ tiêu doanh thu khắt khe. Nếu không đạt, họ sẽ bị đánh đập, bán sang công ty khác hoặc yêu cầu gia đình trả tiền chuộc – có trường hợp lên tới vài trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều người bị giam giữ, chích điện, tra tấn và đã thiệt mạng nơi xứ người.
Hộ chiếu, điện thoại bị thu giữ; dữ liệu liên lạc bị xóa sạch khiến nạn nhân gần như mất hoàn toàn khả năng kêu cứu. Phần lớn trong số họ bị ép tham gia các kịch bản lừa đảo qua mạng, nhắm vào chính đồng bào trong nước.
Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo: người dân cần tỉnh táo khi tìm việc làm, đặc biệt là các công việc ở nước ngoài. Hãy tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp, có uy tín để được tư vấn chính xác. Cảnh giác với các nội dung tuyển dụng mô tả công việc đơn giản, không yêu cầu kỹ năng hay bằng cấp nhưng hứa hẹn mức thu nhập cao bất thường.
Nếu có người liên hệ mời gọi đi nước ngoài làm việc với thông tin không rõ ràng, yêu cầu bất hợp lý, hãy nghiêm túc xem xét và tránh tiếp xúc sâu. Với gia đình nạn nhân, khi nhận được điện thoại đòi tiền chuộc, cần giữ bình tĩnh, xác minh kỹ thông tin và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng và mua bán người trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Phước triển khai đồng loạt biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người, lừa đảo qua mạng trên địa bàn tỉnh, nhất là các đường dây băng nhóm nghi vấn, từ khâu tuyển mộ vận chuyển và tổ chức đưa người sang biên giới; ngăn ngừa các đối tượng từ nơi khác đến móc nối đối tượng địa phương hình thành các đường dây hoạt động lâu dài, phát triển về quy mô phức tạp.
Đồng thời, Công an phối hợp chặt chẽ cùng với Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng chức năng Campuchia về tội phạm mua bán người và hỗ trợ giải cứu nạn nhân bị lừa đảo "việc nhẹ, lương cao".