Những “quả bom” tiềm ẩn
Ngày 23/10, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.A.T (14 tuổi, trú tại xã Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong tình trạng xây xát, chấn thương nhiều vùng hàm, mặt, ngực, bụng, tay.
Tại mắt trái, lớp mi trên bị rách, kết mạc có cương tụ máu. Nặng nhất là bàn tay trái của bệnh nhân bị dập nát, cụt chấn thương 3 ngón tay 1, 2, 3. Bày tay này còn bị thương gần hết mu tay và gan tay, lóc da gan tay. Các vết thương bám nhiều nhiều dị vật đen, bẩn. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc nghịch pin của quạt tích điện thì pin bất ngờ phát nổ khiến em T. bị thương nghiêm trọng.
Bác sĩ Đoàn Lê Vinh - Khoa Phẫu thuật chấn thương chung, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, bệnh nhân T. được các bác sĩ bơm rửa, làm sạch vết thương nhiều lần, cắt lọc sạch vết thương và phẫu thuật cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 1, 2, 3; xử lý vết thương phần mềm gan bàn tay, mu bàn tay và nhiều vị trí thương tổn khác.
Theo thông tin từ bệnh viện, 4 ngày sau mổ, tình trạng người bệnh ổn định. Với vết thương tại mi trên và kết mạc, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa mắt tiếp tục điều trị.
Mới đây, tại Hà Tĩnh, 3 em học sinh phải nhập viện cấp cứu vì vừa sử dụng laptop vừa sạc pin để học bài. Cụ thể, ngày 22/10, Hiệu trưởng trường THCS Hòa Hải (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, 3 em học sinh lớp 9 của trường phải nhập viện cấp cứu vì máy tính xách tay phát nổ. Hậu quả, 1 em bị nát bàn tay, 2 em còn lại bị thương ở phần mắt và mặt. Ngay sau khi phát hiện sự việc, cả 3 em được đưa vào điều trị tại 3 bệnh viện ở TP.Hà Tĩnh.
Thông tin với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Công Đức - Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho hay, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân vào nhập viện trong tìm trạng bị bỏng mắt do có dị vật bên trong. Sau khi tiến hành lấy dị vật, rửa mắt và cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh. Hiện em này đã nhìn thấy nhưng vẫn đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi và điều trị.
Còn thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viện cũng tiếp nhận 1 học sinh bị dập nát bàn tay trái. Hiện các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật, khâu nối các vết thương cho bệnh nhân. Còn một học sinh còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn trong tình trạng mặt bị bỏng, tóc cháy sém.
Chuyên gia cảnh báo
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, mọi người nên sử dụng cẩn trọng trong sử dụng các thiết bị điện tử. Đặc biệt, trẻ em tuyệt đối không học theo những video tự chế trên mạng xã hội, vì có thể bị tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng nếu sử dụng thiết bị điện tử không đúng cách.
Bản thân các viên pin sạc dùng nhiều lần đều có nguy cơ phát nổ do các thành phần hóa học cấu tạo bên trong. Nếu nó được sản xuất bằng dây chuyền lạc hậu, không qua kiểm định thì càng mất an toàn hơn. Nguy cơ cháy nổ còn gia tăng khi nó thường được sử dụng trong điều kiện thời tiết oi bức, dùng ngoài trời nắng nóng.
Theo PGS.TS Phạm Duệ, việc sử dụng những thiết bị điện tử như máy tính hay điện thoại trong lúc sạc pin là một trong những thói quen xấu và cần phải bỏ. Do vậy, để đề phòng và giữ an toàn cho bản thân, không nên sử dụng thiết bị di động khi đang cắm sạc và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. An toàn nhất, nên rút sạc pin trước khi chạm vào điện thoại để trả lời cuộc gọi hay tin nhắn.
“Nhiều trường hợp nhập viện từ các vụ nổ pin điện tử đều bị thương ở những bộ phận như tay, chân,…buộc phải chỉ định cắt cụt. Do đó, mọi người không nên vừa sạc nguồn vừa dùng điện thoại, đồng thời, nên sử dụng các sản phẩm công nghệ chính hãng và đầy đủ kiểm duyệt an toàn để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đối với những trường hợp đã xảy ra, đều đang ở lứa tuổi nhận biết, nên các bậc phụ huynh cũng cần phải quan tâm, quản lý con cái nhiều hơn trong việc sử dụng các thiết bị điện tử”, PGS.TS Phạm Duệ nhấn mạnh.