Nhập cuộc
Phải thừa nhận rằng, bà con đồng bào miền ngược luôn nằm trong tốp đầu về sự hiếu khách. Mỗi lần đi công tác miền núi, chúng tôi thường được bà con chiêu đãi những món đặc sản của vùng miền đó. Khi hơi rượu nồng của men lá thấm vào người thì cũng là lúc những câu chuyện trên rừng dưới bể lại được nhắc đến. Trong một lần làm khách ở Hòa Bình, tôi được một người bạn ở đây giới thiệu về "cua trinh nữ".
Thú thật, khi nghe lần đầu tiên tôi đã giật mình vì tưởng bạn có hàm ý trêu đùa, tôi bảo "người thì còn biết người trinh nữ hay không chứ cua thì làm sao biết được là trinh nữ hay cua đàn bà, xằng bậy". Mặc tôi không tin, ông bạn vẫn thao thao bất tuyệt về loại cua đặc biệt ấy. Khi rượu đã ngà ngà say, hắn hứa lần sau sẽ dẫn về tận sào huyệt của "cua trinh nữ" để chứng minh những lời hắn kể là thật.
Cận cảnh một nàng "cua trinh nữ"
Bẵng đi một thời gian, phần vì bận công tác, phần vì ít có dịp quay lại Hòa Bình nên tôi quên khuấy đi mất cái gọi là "cua trinh nữ", coi nó như là câu chuyện phiếm trên bàn nhậu. Vừa rồi, nhận được điện thoại của bạn cũ, nhắc chuyện lên Hòa Bình để giới thiệu loài cua độc đáo ấy, tôi quyết định quay lại một chuyến, theo chân gã thổ địa này đi săn loài cua đang còn… trinh.
Ghé Ngọc Sơn - thủ phủ của loài cua này mới biết, hóa ra mùa thu không phải là thời điểm thích hợp để săn loài cua trinh nữ. Thổ địa của tôi bảo, "cua trinh nữ" cũng lãng mạn phết, mùa thu mát mẻ chúng trốn vào hang ở, khi nào nắng lên thì mới dễ bắt. Tôi mặc kệ, không quan tâm đến việc bắt được nhiều hay ít, quan trọng là được chiêm bái loài cua độc đáo mang hồn trinh nữ.
Tuấn - tên thổ địa dẫn chúng tôi sang nhà hàng xóm tên Mao, người được mệnh danh là vua săn "cua trinh nữ" của vùng. Anh Mao đã vác dụng cụ đi thì không bao giờ về tay không, dù đó là mùa nào. Hơn bốn mươi tuổi, nhưng tay nghề bắt cua của anh khiến cho ai nấy cũng phải trầm trồ thán phục.
Ngôi nhà sàn của gia đình anh Mao nằm sâu trong đồi. Gặp chúng tôi anh niềm nở đón tiếp, nói về loại cua "độc nhất vô nhị" này. Anh Mao cho biết: "Loài cua này mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa, nó còn gọi là "cua trinh nữ". Ở Ngọc Sơn, chỉ có ba nơi mà "cua trinh nữ" xuất hiện nhiều nhất đó là rừng Bẩy Mý, rừng Bà Già, và Bãi Nhạ. Còn lại quanh nơi dân cư sinh sống thỉnh thoảng trong vườn người dân cũng có, nhưng số lượng không nhiều".
Đặc biệt, "cua trinh nữ" có thể sống cả những nơi khô cằn, không hề có sông suối hay nguồn nước nào hết. Nơi ở của loại cua này là những cái hang to, có thể luồn cả cánh tay vào được. Thường thì những hang này sâu 1 - 2m, nhưng có hang sâu đến tận 3 - 4m.
Đi săn "cua trinh nữ"
Giải oan cho cua Mặc kệ những lời đồn, tôi và Tuấn đã không cưỡng lại được sự hấp dẫn, thơm ngon của loài "cua trinh nữ" khi cùng với chủ nhà uống hết hai chai rượu đế với cua rang muối. Chiều hôm ấy, chúng tôi lên gặp ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch xã Ngọc Sơn với hy vọng "giải oan" cho loài cua này. Ông Dương vui vẻ cho biết, đây là loài cua cực độc đáo của quê hương mà không nơi nào có. Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào bị ngộ độc khi ăn loài cua này, vì thế lời đồn về độc tố trong cua là không có cơ sở. Tuy nhiên, ông Dương cũng nhắn gửi, "cua trinh nữ" là sản phẩm độc đáo của Ngọc Sơn, duy chỉ có ở Ngọc Sơn vì thế nên bảo tồn, giữ gìn chứ không nên tận diệt loài "cua trinh nữ" đáng quý này. |
Không để chúng tôi phải đợi lâu, "vua săn cua trinh nữ" mang theo đồ nghề rồi dẫn chúng tôi vào rừng. Đã từng theo nông dân đi săn chuột, săn rắn, thậm chí là săn thú, nhưng lần này cảm giác đi săn một thứ còn trinh như cua khiến chúng tôi vô cùng háo hức. Tôi chuẩn bị sẵn máy ảnh, định bụng bắt được con nào "chộp" ngay con ấy.
Thổ địa Tuấn giảng giải thêm, nếu ở đồng bằng người ta thường móc cua ở bờ ruộng, thì trên này thợ săn lại chuộng cách câu cua. "Cua đồng bằng hay cua miền núi cũng đều ở trong hang, tuy nhiên với loài cua đặc biệt này thì cũng phải có một phương án đặc biệt để bắt", anh Mao nói thêm. Hang "cua trinh nữ" có một cái lỗ khá to, mình lấy cành cây câu nhắc nhắc trước miệng hang, cua tưởng là thức ăn vội vàng bò ra. Do cua ở sâu trong lòng đất nên người ta phải dùng cần dụ nó ra ngoài rồi mới bắt. Một điều lý thú đó là khi nó đã ra khỏi hang thì mình dụ nó đến đâu thì nó đi đến đó.
Theo chân anh Mao, chúng tôi đến cuối rừng Bà Già, nơi được coi là một trong những "thiên đường cua trinh nữ" của xã Ngọc Sơn. Vừa ra đến nơi, anh Mao đã chỉ cho chúng tôi từng khu vực nào có nhiều cua nhất, ở đây có bao nhiêu hang, vị trí nào anh đều nhớ cả. Đi vào được một đoạn, khi đến gần một cửa hang cua, anh Mao quay lại nói với chúng tôi "giống cua này vốn sợ người, nên các chú cứ đứng ở đây, đến gần quá, tiếng bước chân động là nó sợ, nó không ra đâu". Nghe anh nói, chúng tôi đứng từ xa nhưng vẫn có thể nhìn thấy những hang cua, để tận mắt "mục sở thị" tài nghệ bắt cua của anh.
Anh Mao đang trổ tài câu cua
Anh Mao nhẹ nhàng bước những bước chân rất khẽ, tay cầm cành cây làm mồi nhử. Đến gần cửa hang, anh lom khom bước áp sát vào nơi ẩn náu của "cua trinh nữ". Tay cầm cành cây, rồi liên tục đưa đi đưa lại trên miệng hang. Phải đợi khoảng 5 phút sau mới thấy một con cua bò ra, anh Mao tiếp tục nhử cua ra khỏi hang, vừa ra khỏi hang rồi nhanh tay bắt lấy con cua đang tìm đường chạy trốn.
Bên cạnh tôi, Tuấn cũng trổ tài bằng việc rón rén vén những lùm cây rậm rạp bước đến những hang cua. Hắn cũng cầm lấy cần câu, nhử nhử nhưng phải mãi tới gần 20 phút thì một chú cua mới chịu thò đầu ra. Tôi không biết câu nên cứ lăng xăng bên cạnh chờ cua bò ra để chụp bắt. Mặc dù không phải mùa săn cua, nhưng cả buổi sáng hôm đó nhờ tài nghệ của anh Mao mà số cua chúng tôi bắt được cũng không phải là ít.
Đến gần trưa, khi lượng cua bắt được cũng kha khá, ba chúng tôi quyết định quay về vì theo anh Mao, giờ này cua cũng no rồi nên sẽ không dễ để câu được. Tôi hơi tiếc vì cả buổi sáng đánh vật với "cua trinh nữ" nhưng vẫn chưa thỏa mãn trí tò mò. Hiểu lòng tôi, Tuấn vỗ vai "lần sau sẽ cho ông đi cùng". Trên đường về, hắn nói nhiều đến bữa trưa với món "cua trinh nữ" rang muối cho quãng đường ngắn lại.
Buổi trưa ở nhà anh Mao thật đầm ấm, đậm chất hiếu khách của bà con miền núi. Một đĩa cua rang muối, một bát canh cua rau đay, cà muối trông thật hấp dẫn. Anh Mao từ tốn rót rượu mời khách rồi kể những câu chuyện liên quan đến loài cua có một không hai này.
"Cua trinh nữ" không chỉ đặc biệt ở tên gọi mà còn đặc biệt ở địa bàn sinh sống. Loài cua này chỉ xuất hiện ở xã Ngọc Sơn mà thôi. Vì thế, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên truyền người dân không nên tận diệt loài cua độc đáo này. Trong câu chuyện, bố anh Mao, góp chuyện, giọng đượm buồn. Cụ bảo cụ rất buồn vì thời gian qua không biết từ đâu xuất hiện tin đồn ăn "cua trinh nữ" vào sẽ chết, bởi loài cua này đang chứa chất cực độc. "Lão sống hơn 80 năm nay rồi, lớn lên từ con cua, con ốc mà có bị làm sao đâu, không hiểu ai lại vu oan cho loài cua đặc biệt ấy. Tôi chưa thấy ai ăn cua này bị ngộ độc cả", bố anh Mao chia sẻ.
Hà Khê