Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động. Tuy nhiên ngay tại điều 4 của Nghị định này đã xuất hiện những lỗi sai cơ bản mà nhiều người khi đọc xong đã không khỏi giật mình.
Một thành viên có tên là phamthanhhuu của diễn đàn Dân luật đưa chủ đề bàn luận lên diễn đàn cho biết: Thật khó hiểu điều 4 của Nghị định quy định điều gì, phải chăng đây lại là lỗi đánh máy. Khoản 1 điều 4 là một sự “đứt quãng” kèm dấu “hai chấm” để hiểu điểm a, b. Nhưng các vấn đề này chẳng liên quan gì với nhau. Mặt khác, tại điểm b khoản 2 có quy định dẫn chiếu “khoản 3 điều này” trong khi điều 4 không có khoản 3. Có thể lý giải “sự khó hiểu” của điều 4 là lỗi do đánh máy: thiếu khoản 1; điểm a, b của khoản 1 rất có thể là nội dung của khoản 2,3; và khoản 2 là khoản 4.
Ảnh cắt từ văn bản luật.
Nhìn vào điều luật có thể thấy rõ ràng các quy định của điểm a, điểm b khoản 1 lại không liên quan gì đến khoản 1 ghi nhận trước đó. Đặc biệt khoản 2 có dẫn chiếu đến khoản 3 của điều 4 nhưng thực tế điều 4 lại không có khoản 3 nào.
Thành viên Xmen 8711 bày tỏ ý kiến rằng: “Bộ Lao động thương binh và Xã hội là người chắp bút cho đứa con tinh thần này, qua đó lại còn một loạt các vị trí khác rà soát, kiểm tra mà còn cả lỗi kép. Đúng là cái dấu hai chấm (:) đứng cuối vô duyên, lại còn vô duyên hơn khi điều 4 chẳng có khoản 3 mà lại còn "theo quy định tại khoản 3 điều này".
Một thành viên khác cho rằng đây không phải lỗi đánh máy mà là do lỗi sao chép, cho nên “đọc cái điều đó chả hiểu gì hết”, thành viên này bày tỏ quan điểm.
Bày tỏ quan điểm trước những sai sót nghiêm trọng này của văn bản, người đưa ra chủ đề thảo luận kiến nghị: “Rất mong, Chính phủ rà soát để chỉnh sửa kịp thời lỗi kỹ thuật này”.
Trước đó, báo chí đã từng phản ánh về những vụ việc văn bản “cười ra nước mắt” và thủ phạm không ai khác chính là do những “lỗi đánh máy” hoặc lỗi in ấn. Chẳng hạn trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ xây dựng, có lưu ý các địa phương "không xây dựng các công trình nhại kiến trúc cổ điển kiểu Pháp - châu Âu", đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, sau khi bị dư luận “lên án”, Bộ này đã ban hành một công văn khác gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí về việc bỏ nội dung “không xây dựng công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”, vì in ấn có "sai sót".
Băng Tâm