Theo South Front, quân đội Syria sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào của Israel vào các căn cứ của nước này trong tương lai.
Chính sách mới này được lãnh đạo Syria đưa ra sau khi máy bay do thám của Nga IL-20 bị phòng không Syria bắn hạ trong một cuộc không kích của Israel vào Syria. Thông tin này được tờ Kuwaiti al-Ra’i đăng tải hôm 15/12, trích dẫn lời một quan chức cấp cao Israel.
"Damascus sẽ đợi để trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các mục tiêu quân sự bằng một cuộc tấn công tương tự. Điều này có nghĩa là một cuộc tấn công vào một sân bay ở Syria sẽ bị trả đũa bằng một cuộc tấn công vào một sân bay ở Israel...", al-Ra’i viết.
Theo quan chức giấu tên này, Moscow đã bật đèn xanh cho Damascus đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel mà gây ra hậu quả là phá hủy khả năng quân sự Syria hoặc sát hại các cố vấn nước ngoài ủng hộ SAA. Tel Aviv đã được cảnh báo về chính sách mới này.
"Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu của Syria hoặc Iran sẽ được cho là nhắm vào các lực lượng Nga", vị quan chức giấu tên nói về cảnh báo của Nga đối với Israel.
Vị quan chức này cũng phủ nhận các tuyên bố của Israel về việc đã phá hủy được năng lực tên lửa của Syria, đồng thời tiết lộ thêm rằng Damascus đã nhận được các tên lửa tầm trung và tầm xa trang bị hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh (GLONASS) của Nga. SAA sẽ dùng các tên lửa này để đáp trả các đợt tấn công của Israel.
Trước đó, ngày 29/11, Israel đã tiến hành các nỗ lực tấn công đầu tiên nhằm vào Syria kể từ sau vụ IL-20 bị bắn hạ. Tuy nhiên, quân đội Syria tuyên bố đã đánh chặn thành công các tên lửa của Israel.
Bộ Quốc phòng Syria có lẽ sẽ không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận thông tin của tờ al-Ra’i, bởi Damascus thường không tiết lộ các quyết định chiến lược như trên.
Mối quan hệ Nga-Israel trở nên căng thẳng sau vụ máy bay Nga IL-20 bị phòng không Syria bắn rơi. Sau sự cố, Nga đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tân tiến tới Syria.
Trước đó, Nga đã trì hoãn cung cấp cho Syria hệ thống S-300, hệ thống mà Israel sợ Syria sẽ sử dụng để chống lại mình. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Shoigui nói Nga sẽ thực hiện vụ giao S-300 vì “tình hình đã thay đổi và đó không phải lỗi của chúng tôi”.
Phía Nga cho rằng động thái của Nga chủ yếu nhằm bảo vệ mạng sống của quân nhân Nga. Trong khi đó phía Israel cho rằng “chuyển giao vũ khí hiện đại tới những bàn tay vô trách nhiệm sẽ làm gia tăng nguy hiểm trong khu vực”.
Theo bình luận của tạp chí National Interest, cuộc tranh cãi Nga-Israel có thể không dẫn tới những thay đổi cơ bản cả về chiến dịch quân sự ở Syria lẫn quan hệ ngoại giao song phương. Nâng cấp hệ thống phòng không Syria sẽ không ngăn cản được các vụ tấn công từ phía Israel.
Nhắc đến hệ thống S-300 được Nga đưa tới Syria, ông Nikolai Sokov, thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterrey nói: "Với S-300, không chỉ phòng không Syria sẽ hiệu quả hơn mà hệ thống này sẽ cần thiết để nhắc nhở đối thủ rằng có người Nga vận hành hệ thống phòng không Syria. Vì thế, lần tiếp theo mà Israel hoặc Mỹ có ý định tấn công Syria, hai nước sẽ không chỉ đối mặt với sự kháng sự mạnh hơn thường lệ mà còn có thể rơi vào tình huống đối đầu quân sự trực tiếp, leo thang nhanh chóng với quân đội Nga – một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới”.
Xem thêm >> Bí ẩn lý do "sát thủ săn ngầm" Mỹ áp sát căn cứ quân sự Nga ở Syria