Mỹ đã nhiều lần chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, tuyên bố rằng vũ khí này không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và có thể làm tổn hại đến hoạt động của tiêm kích tàng hình F-35.
Về phần mình, Ankara đã cương quyết hoàn thành thương vụ S-400 với Nga dẫu cho Washington đã nhiều lần ngỏ ý muốn bán hệ thống phòng không Patriot thay thế.
Cuộc tranh cãi tưởng chừng đi đến hồi kết cho đến khi Ankara bất ngờ yêu cầu Mỹ triển khai hệ thống phòng không Patriot ở biên giới phía Nam sau khi tình hình Idlib, Syria leo thang căng thẳng.
So sánh S-400 và Patriot
Tờ Sputnik đã giải thích lý do vì sao Patriot có thể trở thành một lựa chọn vũ khí phòng thủ tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ sau hệ thống tên lửa S-400 mới mua từ Nga gần đây.
Động thái của Ankara khi muốn sở hữu Patriot khiến giới quan sát đặc biệt chú ý đến đặc tính kỹ thuật của hai hệ thống phòng thủ tên lửa này. Về cơ bản, hệ thống của Nga cho ưu thế vượt trội hơn, trong khi hệ thống của Mỹ chỉ đơn giản là có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn.
S-400 là hệ thống phòng thủ có khả năng phát hiện mục tiêu địch ở khoảng cách lên tới 600 km và theo dõi đồng thời tới 300 mục tiêu, trong khi Patriot hoạt động ở khoảng cách không quá 120 km.
Về tầm bắn, S-400 cũng được đánh giá tốt hơn Patriot với các con số lần lượt là 250 km và 100 km. Hệ thống của Nga có khả năng tiêu diệt mục tiêu di chuyển với vận tốc 4.800m/s, ví dụ như tên lửa siêu vượt âm, thứ mà Patriot dường như không thể làm được, khi chỉ có khả năng bắn trúng các vật thể bay với tốc độ 2.500m/s.
Không những vậy, cả tên lửa và máy bay trực thăng đều không thoát khỏi tầm ngắm của S-400 ngay cả khi chúng hoạt động ở độ cao tối thiểu, bởi hệ thống Nga có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 100m tính từ mặt đất. Ngược lại, Patriot chỉ hiệu quả ở độ cao 500m trở lên và hệ thống không có khả năng phát hiện các mục tiêu di chuyển dưới ngưỡng này.
Không giống như hệ thống của Mỹ, trang bị vũ khí của S-400 bao gồm các tên lửa dẫn đường siêu cơ động tiên tiến cũng như các tên lửa tầm xa để phá hủy AWACS (hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không) và máy bay tác chiến điện tử, cũng như các trạm chỉ huy, tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm.
Một trong những lợi thế khác của hệ thống Nga là khả năng vận hành trơn tru trong các điều kiện bị áp chế điện tử mạnh mẽ. Mặc dù có các đặc tính tinh vi, S-400 được cho là rẻ hơn ít nhất ba lần so với Patriot về mặt bảo trì.
Hơn nhau ở kinh nghiệm
Có vẻ như Patriot chỉ thắng thế S-400 ở mặt kkinh nghiệm trong chiến đấu, khi từng chinh chiến tại Chiến dịch Bão táp Sa mạc trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 giữa liên minh do Mỹ đứng đầu và Iraq.
Tuy nhiên, kinh nghiệm này cũng không chứng minh được tính hiệu quả của hệ thống Patriot, khi nó chỉ có thể chặn được 46 trong số 130 tên lửa của Iraq. Một thất bại tương tự được ghi nhận vào tháng 9/2019, khi hệ thống Patriot không thể ngăn chặn tên lửa hành trình và máy bay không người lái tổ chức các cuộc tấn công lớn vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 - được cả các chuyên gia Nga và nước ngoài gọi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới – còn đang được Ấn Độ và Iraq xếp hàng chờ mua, trong đó New Delhi cho thấy sẵn sàng mua ít nhất năm tổ hợp.
Trở lại lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, hiểu được rằng mỗi hệ thống sẽ đáp ứng những nhu cầu an ninh khác nhau, Ankara dường như đang muốn có đồng thời cả Patriot lẫn S-400.
Tuy nhiên, mong muốn này được cho là khó có thể trở thành sự thật khi mối quan hệ lắt léo với Nga-Mỹ chỉ cho phép Ankara chọn một trong hai. Chưa bàn đến ý muốn và tiềm lực mua Patriot, thậm chí cả một lời đề nghị hậu hĩnh nhất cũng chưa chắc khiến Washington động lòng.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi đầu tháng này tuyên bố rằng, hệ thống S-400 mua từ Nga sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4, trong khi Mỹ đã nhiều lần tuyên bố Ankara sẽ không nhận được hệ thống Patriot cho đến khi nào từ bỏ thương vụ S-400 với Nga.
Vào tháng 9/2019, Tổng thống Erdogan từng báo hiệu sự sẵn sàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua cả hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và S-400 của Nga cùng một lúc.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman nói với các phóng viên hồi đầu năm nay rằng: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhận được Patriot trừ khi trả lại S-400 cho Nga.
Ở thời điểm đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố Mỹ đã làm dịu lập trường liên quan đến S-400 cũng như Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhắc đến lời đề nghị mua Patriot.