Đổ xô đi lùng... “thần dược”
Cái nắng 40 độ C của “vùng đất cháy” nhất miền Trung không làm lùi bước sự tò mò của chúng tôi về loại thảo dược được kháo là chữa bách bệnh vốn đã quen thuộc ở vùng đất cằn cỗi từ nhiều năm qua. Thậm chí nó còn được tô điểm thêm bởi lời gợi chuyện của một thương lái trên chuyến xe đặc hiệu “Hồng Lĩnh”: “Giờ các chú đi mua thì rẻ rồi, trước đây một ký lô “rễ cây bách bệnh” lúc cao điểm có giá tới 300-500.000 đồng không có mà bán.
Nhiều lúc, khách Hà Nội và nhiều địa phương khác về nằm chờ cả tuần cũng chỉ mua được vài chục ký lô. Loại thảo dược này chữa được nhiều bệnh lắm. Từ bệnh xương, khớp đến tăng cường sinh lực cho nam giới. Nghe đâu, ở nước ngoài loại này còn có giá từ 3-4 triệu đồng/kg. Chú muốn mua phải chờ xem chiều nay người ta đi về có đào được hay không, hoặc để lại số điện thoại, khi nào có người ta gọi đến mua”.
Rễ cây “thần dược” đang trở thành đặc sản.
Mang tâm trạng đầy nghi hoặc bước vào lãnh địa của “thần dược”, điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân là phường Đức Thuận (Thị xã Hồng Lĩnh). Không quá khó để tìm ra nhà anh Thành - một trong những người đầu tiên vác cuốc đi đào “thần dược” về bán. Anh Thành cho biết: “Trước đây tôi không hề biết cây này, công việc chính là bán hàng ăn sáng nên cũng nhàn rỗi. Một hôm, ông hàng xóm sang nói chuyện và chỉ cho cách nhận biết cây bách bệnh rồi nhờ đi đào về để ông mua lại với giá cao. Nhưng sau khi xem ảnh, lân la lên mạng tìm hiểu, tôi chợt nhận ra, đây chính là loại cây mà hồi nhỏ đi chăn trâu tôi thường thấy nên lập tức nhận lời đi đào”.
Rít vội “bi” thuốc lào đặc quánh, anh Thành tiếp lời: “Về sau, nhiều người biết tác dụng của cây nên giá đã tăng vùn vụt, từ 50.000 đồng lên 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn được hét giá 500.000 đồng/kg. Nhưng giờ thì rẻ hơn rồi, lại quay về mốc ban đầu”. Lý giải cho sự mất giá của “thần dược” anh Thành cho rằng: “Chỉ người dân Hồng Lĩnh và một số người sành thuốc quý mới biết giá trị thực của nó nên đã bị ép giá, chứ nếu công khai tính năng, giá trị của nó thì giá sẽ tăng vùn vụt”.
Biết chúng tôi đang săn lùng với số lượng lớn, bà Vui, hàng xóm nhà anh Thành, cũng là một trong những đầu nậu lớn chuyên buôn cây, nhanh nhảu xen ngang: “Cây này là loại thảo dược quý chữa được nhiều bệnh lắm, từ xương khớp đến tăng cường sinh lực cho nam giới hoặc chữa sinh con hiếm muộn. Ở nước ngoài như: Nga, Malaysia.. rất chuộng. Cần bao nhiêu các chú cứ nói, đúng một tuần sau quay lại hàng gom đủ”. Thấy chưa thuyết phục được “thượng đế”, bà này chạy vội vào nhà lôi một tờ giấy photo khổ A4, trên đó ghi đầy đủ những thông tin được người dân sưu tầm về công dụng của... “thần dược”.
Lá cây “thần dược” đang trở thành đặc sản.
Theo nội dung ghi trên mảnh giấy đã ngả màu, cây bách bệnh còn được gọi là cây Mật nhân, tiếng Lào là Thô Than, còn tên An To gung sar là tiếng Campuchia, tên khoa học là EUY Coma. Cây thuộc họ Thanh Thất, cây gỗ mềm, mọc thẳng đứng, chiều cao 2 – 3m, vỏ và thân màu vàng ngà, cành lá kép hình lông chim, có lông ở mặt dưới lá.
Loại cây này thường mọc ở vùng núi miền Trung (Việt Nam). Tất cả các bộ phận của cây đều dùng chữa được bệnh như: Rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau xương khớp, viêm gan do vi rút, tiểu đường, suy giảm sinh lý nam, muộn con, ngăn ngừa khối u, phòng lão hóa,... Phương pháp chế biến và liều dùng được hướng dẫn như sau: Lấy lá và vỏ phơi khô, tán thành bột làm viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống từ 4 – 6 gam, chia làm 2 lần; Có thể nấu nước hoặc ngâm rượu. Thậm chí, trên tờ giấy mà bà Vui đưa cho, chúng tôi còn đọc được khuyến cáo, không nên uống khi đói và một số biểu hiện nếu uống quá liều...
Không tin vào công dụng đặc biệt của loại cây này, ông bạn đồng nghiệp lôi trong túi chú iPad, gõ nhanh trên google từ khóa: “Cây bách bệnh” hay “cây bá bệnh”, chỉ trong vòng chưa đầy nửa giây đã cho tới gần 5.000.000 kết quả về loài cây này. Tuy nhiên, gần như nó chỉ là những thông tin truyền nhau mà tuyệt nhiên không thấy cơ quan chuyên môn nào có trách nhiệm lên tiếng về tác dụng cũng như cách dùng loại cây này.
Thành phẩm ngâm rượu của “thần dược”.
Công dụng một... đồn mười
Nhiều người dân nơi đây còn cho biết, sau khi thấy những người ở phường Đức Thuận biết tác dụng của cây này, tin đồn lan xa, các phường trong thị xã nô nức kéo nhua đi tìm “thần dược”. Một cán bộ phường Đậu Liêu cho hay: “Cách đây không lâu, thấy người ta kháo nhau là cây Mật nhân này chữa được bách bệnh nên nhiều người trong phường cũng tay cuốc, tay xẻng kéo nhau vào rừng đào.
Có nhiều người đào được cả tạ một ngày, nhưng cũng có người về tay không. Chính quyền chưa hề nghe cơ quan chuyên môn nào nói về tác dụng của loại cây này, nhưng nghe nhiều người đã dùng truyền tai nhau chữa được nhiều loại bệnh, tôi cũng mua thử về nhà ngâm rượu. Khi uống, loại rượu được ngâm bởi thảo dược có vị đắng khiến lưỡi mất cảm giác”.
Mặc dù chưa biết tác dụng của cây Mật nhân này đến đâu, nhưng hiện nay có khá nhiều người đã mua và ngâm theo công thức được lan truyền trên. Một số người còn ví nó như một loại đặc sản của vùng mà hễ đi đâu cũng cầm theo để giới thiệu với các thượng khách. Có những người dân, không tin tưởng vào chất lượng “thần dược” từ các con buôn đã tự vác cuốc đi đào với hy vọng tự tay tìm được “hàng” chất lượng nhất của loại thảo dược “thần kỳ”.
Ông Dương Đăng Hiền, giám đốc Bệnh viện Đông y Hà Tĩnh.
Càng đi sâu vào thánh địa của “thần dược” chúng tôi càng được nghe nhiều lời đồn thổi quanh tác dụng của cây này, mỗi lúc một đậm đặc. Nhưng tiếp xúc với hầu hết cánh mày râu địa phương, thông tin chúng tôi nhận được vẫn chỉ là những câu quen thuộc, nửa đùa, nửa thật theo kiểu: Uống vào thì sung lắm, giống như “tăng tốc” cho đàn ông; ông uống chắc chắn bà khen hay, không hay không ngủ...
Chúng tôi tiếp tục tìm đến ông Dương Đăng Hiền, giám đốc Bệnh viện Đông Y Hà Tĩnh, được ông cho biết: “Có thể khẳng định đây là cây thuốc quý của Việt Nam, nhưng hiện bệnh viện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng của cây. Trong danh mục những cây thuốc dùng để chữa cho bệnh nhân, bệnh viện cũng chưa đưa loài này vào làm thuốc”.
Ông Hiền cũng cho biết thêm: “Đây là loại cây dùng nhiều ở Lào, khi ngâm rượu có màu xanh giống như mật, vị đắng, tính hàn. Cây mọc ở rừng thưa, dưới tán cây lớn, toàn bộ cây từ rễ, thân, lá đến vỏ đều dùng chữa bệnh nên cây này dễ bị tuyệt chủng. Đây là một vị thuốc quý sau này có thể dùng để chiết xuất làm thành viên nang để trị thêm nhiều bệnh khác. Ngoài tác dụng chữa đại tràng và một số bệnh thông thường như xương khớp, đau lưng thì chưa có nghiên cứu nào chữa được gan hay có tác dụng kích thích trong chuyện vợ chồng. Người dân không nên dùng bừa bãi vì có thể có tác dụng phụ”.
Không như đồn thổi Để làm rõ hơn, chúng tôi đã cất công tra cuốn sách: “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, được NXB Y học phát hành năm 2003, thông tin cụ thể như sau: “Như tên gọi của cây, đây là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh (bách là trăm). Vỏ dùng để chứa bệnh ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng. Quả dùng chữa lỵ. Tại Campuchia người ta dùng để chữa ngộ độc và say rượu, trị gan. Lá cây thì dùng để chữa ghẻ, lở ngứa”. Tuyệt nhiên, lần tìm mỏi mắt cũng không thấy một dòng nào ghi loại cây này có tác dụng tăng cảm hứng trong chuyện... chăn gối. |
Trần Quyết